Tự làm thiết bị đào tạo nghề: Nhìn từ một hội thi
Trước thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học thì việc tự làm thiết bị dạy nghề là cách bổ sung, đồng bộ hóa trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề.
Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm tỉnh do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội vừa tổ chức có 28 thiết bị dự thi. Theo đánh giá của Ban tổ chức Hội thi, các thiết bị có tính kỹ thuật và ứng dụng cao, góp phần vào việc tăng cường thiết bị, mô hình phục vụ công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đặc biệt là đã nâng cao tính chuyên nghiệp, sáng tạo so với hội thi lần trước. Hầu hết các thiết bị sử dụng vật liệu thông dụng, nhiều thiết bị có kết cấu, hình thức đẹp. Tiêu biểu như các mô hình: “Hệ thống đỗ xe tự động dùng PLC S7-200” của nhóm tác giả Trần Văn Dũng, Trương Văn Giản, Dương Hồng Phước (Trường Cao đẳng kỹ thuật Đắk Lắk); “Mô hình điều khiển và giám sát nhiệt độ” của thầy Nguyễn Văn Ban (Trường Cao đẳng kỹ thuật Đắk Lắk); “Lò hấp thanh trùng bịch nấm tự động” của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Giao, Nguyễn Hồng Tính, Tạ Vũ Thanh Đạt (Trung tâm Giáo dục nghề nghiêp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư M’gar)…
Thầy Trần Văn Dũng (đứng giữa) đại diện nhóm tác giả giới thiệu về mô hình “Hệ thống đỗ xe tự động dùng PLC S7-200”. |
Có thể nói, trong những năm qua, một số cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng phát huy phong trào sáng kiến, cải tiến và tự làm thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề. Tiêu biểu là Trường Cao đẳng kỹ thuật Đắk Lắk, đơn vị đi đầu trong việc tham gia và dành được những giải thưởng cao trong hội thi tự làm thiết bị dạy nghề các cấp. Trong đó, phải kể đến thầy Trần Văn Dũng, người có nhiều sáng kiến nghiên cứu, sáng tạo ra những thiết bị dạy nghề tự làm hiệu quả. Đó là thiết bị “Bàn thực hành trang bị điện mạch điện máy mài mặt phẳng” (thực hiện cùng đồng nghiệp) đã đoạt giải Nhất tại Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm năm 2015 và thiết bị “Hệ thống đỗ xe tự động dùng PLC S7-200” đoạt giải Nhất hội thi năm nay. Ngoài ra, thầy còn sáng tạo nhiều thiết bị phục vụ cho việc dạy học của mình như mô hình “Máy bơm nước tự động”, “Bàn thực hành PLC – Trang bị điện đa năng”...
Bà Phạm Thị Loan, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)
|
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư M’gar, dù lần đầu tham gia và với 1 thiết bị dự thi (Lò hấp thanh trùng bịch nấm tự động) nhưng đã đoạt giải Nhì. Theo nhóm tác giả, thiết bị dự thi lần này đem lại nhiều tiện dụng cho người trồng nấm khi ứng dụng vào sản xuất bởi nó tiết kiệm thời gian, phôi nấm ít bị nhiễm bệnh và giảm thiểu khí thải ra môi trường xung quanh so với việc sử dụng lò hấp thủ công…
Một điều đáng ghi nhận trong hội thi lần này ngoài chất lượng sản phẩm dự thi được nâng lên thì số lượng các mô hình, thiết bị và số cơ sở đào tạo nghề dự thi cũng tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 18 thiết bị của 2 cơ sở dự thi thì năm nay có 28 thiết bị của 4 cơ sở dự thi (gồm Trường Cao đẳng kỹ thuật Đắk Lắk, Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, Trường Trung cấp Đắk Lắk và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư M’gar), chứng tỏ hội thi đã thu hút sự quan tâm hơn của các cơ sở đào tạo nghề.
Tuy nhiên, hội thi cũng còn những hạn chế như: số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia còn rất ít (4/40 cơ sở); có đơn vị chưa tổ chức hội thi cấp cơ sở nên thiết bị tham gia hội thi cấp tỉnh còn sơ sài; phần lớn các thiết bị, mô hình chưa thể hiện được các quy định về an toàn lao động; tại hội thi chưa thu hút và mời các công ty, doanh nghiệp cung cấp thiết bị, đồ dùng dạy học mang tính chất công nghệ mới đến để trao đổi, giao lưu với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc định hướng đầu tư thiết bị đào tạo theo hướng hiện đại hóa… Nếu những hạn chế này được khắc phục thì hội thi những lần sau sẽ đạt kết quả cao hơn.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc