Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo ở Ea Wer

18:07, 02/12/2017

Xã Ea Wer có 2.157 hộ, hơn 9.000 nhân khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên 8.052 ha. Gần 80% dân số của xã trực tiếp làm nông nghiệp, trong khi đất đai lại bạc màu, người dân chủ yếu là sản xuất cây ngắn ngày nên hiệu quả kinh tế thấp.

Năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 60%. Trước thực tế đó, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã lãnh đạo, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng giúp nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Xã cũng đã mở ra các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho nhân dân, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Cán bộ giảm nghèo xã Ea Wer giám sát việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay giảm nghèo của gia đình chị Lương Thị Thêu ở thôn Hà Bắc.
Cán bộ giảm nghèo xã Ea Wer giám sát việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay giảm nghèo của gia đình chị Lương Thị Thêu ở thôn Hà Bắc.

Ông Y Du Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wer chia sẻ: Từ những thế mạnh sẵn có như nguồn lao động dồi dào, các đoàn thể đã đứng ra tín chấp cho người dân vay vốn, đồng thời dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật để họ có thể tự mình vươn lên trong lao động sản xuất. Bên cạnh đó, chính quyền xã thường xuyên mở các đợt kiểm tra, rà soát lại tỷ lệ hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo khó ở từng gia đình từ đó bàn giải pháp giúp người dân thoát nghèo. Chẳng hạn ở những gia đình thiếu vốn sản xuất thì sẽ được ưu tiên tạo điều kiện vay vốn; với những hộ khó khăn vì đông con, các tổ chức, đoàn thể sẽ thường xuyên tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình… Cùng với đó, thực hiện giám sát việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tại địa phương, thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trong phát triển kinh tế để người dân học tập... Điển hình như hộ gia đình ông Ngọc Văn Học ở thôn Hà Bắc, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2012 ông đầu tư trồng 2 sào tiêu. Những năm tiếp theo ông vay thêm vốn để đầu tư mở rộng vườn cây. Đến nay gia đình ông đã có hơn 300 trụ tiêu kinh doanh, mỗi năm cho thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra ông còn kết hợp chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt để tăng nguồn thu.

Anh Ngọc  Văn Học  (bìa trái)  trao đổi  kinh nghiệm về chăm sóc cây tiêu.
Anh Ngọc Văn Học (bìa trái) trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc cây tiêu.
 
“Xã Ea Wer sẽ đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo, động viên hộ nghèo khắc phục khó khăn để tự lực vươn lên; lồng ghép nhiều nguồn lực và ưu tiên cho hộ nghèo, hộ khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn… nhằm giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều” 
 
Ông Y Du Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wer

Bên cạnh việc giúp người dân thoát nghèo bằng phát huy nội lực, cấp ủy đảng, chính quyền xã Ea Wer còn quan tâm tới việc khai thác có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước. Chính quyền xã đã vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng tới việc đưa vào nuôi, trồng các loại cây, con phù hợp với điều kiện tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã đang đẩy mạnh cải tạo vườn tạp phát triển các loại cây ăn trái như cam, quýt... Cùng với lĩnh vực trồng trọt thì việc phát triển chăn nuôi cũng được người dân chú trọng. Nhiều hộ gia đình ở Ea Wer đã phát triển kinh tế trang trại kết hợp việc trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước với việc tuyên truyền khuyến khích người dân tự giác nâng cao ý thức trong công tác giảm nghèo, bộ mặt nông thôn ở Ea Wer đã có nhiều chuyển biến, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Theo thống kê, hằng năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Ea Wer giảm từ 3% đến 4%, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt từ 12 đến 13 triệu đồng/người/năm. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 36%. Năm 2017, theo chuẩn đa chiều là 50,1%.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.