Multimedia Đọc Báo in

Cô gái khuyết tật giàu nghị lực

13:34, 09/12/2017

Nghị lực phi thường và lòng nhân ái đã giúp chị Lê Thị Hạnh ở thôn 12, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) vượt qua mặc cảm khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

Không được may mắn như những bạn bè cùng trang lứa, ngay từ khi 4 tuổi, một cơn sốt đã khiến đôi chân của chị Hạnh (SN 1982) bị teo dần, rồi sau đó không thể cử động được. Tuyệt vọng, đau đớn khi hằng ngày phải sống chung với đôi chân co quắp, nhưng nghĩ đến sự hy sinh của bố mẹ, chị Hạnh lại tự nhủ mình không được phép đầu hàng số phận. Sau một thời gian bền bỉ vật lộn với những bài tập phục hồi chức năng, đôi chân của chị đã có thể tự bước đi mà không cần dùng đến nạng. Đây cũng là lúc chị trút bỏ được những mặc cảm để sống cởi mở, hòa nhập hơn với cộng đồng.

Để thỏa mãn ước mơ trở thành y tá, năm 2001, chị theo học Trường Trung cấp Y Đắk Lắk. Sống xa nhà, không có người thân bên cạnh, buộc chị phải gạt bỏ suy nghĩ mình là người khuyết tật để làm quen với cuộc sống tự lập. Mặc dù luôn tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội của trường và cố gắng học tập thật tốt nhưng sau khi tốt nghiệp, chị đã phải nhiều lần đối diện với ánh nhìn nghi ngại, phân biệt của các nhà tuyển dụng. Không nản chí vì bị từ chối, chị tiếp tục theo đuổi lớp liên thông Cử nhân Điều dưỡng, Trường Đại học Tây Nguyên. May mắn đã đến với chị Hạnh khi năm 2004, chị được nhận vào làm y tá ở Trạm Y tế xã Hòa Lễ.

Chị Lê Thị Hạnh hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc.
Chị Lê Thị Hạnh hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc.

Khi công việc ở Trạm Y tế ổn định, chị bắt đầu tham gia câu lạc bộ người khuyết tật của xã và trở thành Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ. Để thu hút các hội viên tham gia và nâng cao năng lực, nhận thức cho người khuyết tật, chị Hạnh thường phối hợp với cơ quan, đơn vị mở các lớp tập huấn như: kỹ năng mềm; kiến thức pháp luật, tư vấn pháp lý, tổ chức hội thi văn nghệ...

Mặc dù thân thể khiếm khuyết và bận rộn với nhiều công việc, nhưng với suy nghĩ mình còn may mắn hơn rất nhiều người khuyết tật khác vì có cái đầu lành lặn, chị Hạnh thường tranh thủ thời gian tìm hiểu những kiến thức về y học trong phục hồi chức năng để đến tận nhà những gia đình có người khuyết tật giải thích, thuyết phục họ tin tưởng vào kết quả của vật lý trị liệu, kiên trì tập luyện để có cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Nhờ sự hỗ trợ của chị Hạnh mà các cơ khớp của 13 người khuyết tật ở địa phương đã mềm dẻo hơn, có thể đi lại và vệ sinh cá nhân mà không cần người khác giúp. Với những thành tích đạt được chị Hạnh nhận được nhiều Giấy khen của Sở Y tế, UBND huyện Krông Bông. Năm vừa qua chị vinh dự là một trong những thanh niên khuyết tật tiêu biểu được Tỉnh Đoàn tuyên dương.

Chị Lê Thị Hạnh tranh thủ thời gian rảnh đến nhà điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị bại não.
Chị Lê Thị Hạnh tranh thủ thời gian rảnh đến nhà điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị bại não.

Khi được hỏi về mong muốn của mình với xã hội, chị Hạnh hy vọng những người khuyết tật có được một môi trường thuận lợi để có thể vượt qua chính mình, tự tin hòa nhập, tham gia đóng góp cho xã hội. Không chỉ là một minh chứng về nghị lực phi thường, chị Hạnh còn là  tấm gương sáng cho những người cùng cảnh ngộ thấy rằng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ cần có ước mơ, hoài bão và quyết tâm thì mỗi người đều có thể đi đến thành công, trở thành những người có ích cho xã hội.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.