Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Thái ở Cư Klông
Ở thôn Tam Hà (xã Cư Klông, huyện Krông Năng) có một xóm nhỏ nằm khá tách biệt với các xóm cùng thôn, gồm 6 gia đình người Thái di cư từ Hòa Bình vào đây sinh sống, lập nghiệp. Dù chỉ có 6 hộ với 23 nhân khẩu, nhưng đến đây dường như ai cũng thấy được cả một vùng văn hóa Thái đang hiện diện.
Trong xóm nhỏ này, anh Hà Văn Toa được mọi người quý trọng, xem là người anh cả bởi anh luôn tìm cách để các gia đình tại đây cùng vươn lên phát triển kinh tế, đồng thời lại rất tài hoa có thể làm được nhà sàn, biết làm và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ của người Thái.
Anh Lò Văn Cốp đang chỉ cách bắn nỏ cho một người bạn. |
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Cư Klông
|
Anh Toa nhớ lại những ngày vừa vào đây lập nghiệp, hành trang mang theo chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo, còn lại là cây sáo, khèn và chiếc nỏ quen thuộc từ thời trẻ dại. Để mỗi chiều sau khi đi làm về, anh lại ngồi thổi sáo, thổi khèn và cùng anh em tập bắn nỏ… cho vơi bớt nỗi nhớ quê và văn hóa của dân tộc mình không bị mai một. Dù khó khăn đến đâu, anh và người dân ở đây luôn quan tâm đến việc dạy cho con cái mình những phong tục, tập quán truyền thống mà những người đi trước truyền lại. Vì vậy, bên cạnh học văn hóa, ở đây con gái thường được mẹ dạy thêu thùa, hát múa, con trai thì được bố dạy bắn nỏ, thổi khèn, sáo.
Anh Toa tự hào, nhờ sớm được chỉ bảo mà con anh đã giành được giải ba trong một cuộc thi bắn nỏ của địa phương gần đây.Ở đây con gái ai cũng có vài ba bộ đồ truyền thống kiểu áo cóm, cúc láp với đủ màu sắc khác nhau. Không chỉ mặc trong các ngày lễ hội, tết, cưới hỏi của dân tộc mình mà các chị em còn “diện” khi đi ăn cưới người quen ở các vùng khác; trong ngày hội của thôn, xã; hay biểu diễn văn nghệ…
Chị Hà Thị Lơ cho biết, tất cả mọi người ở đây đều rất yêu văn nghệ, vào các dịp vui hay có khách ở xa tới thăm gia đình nào trong xóm là lại tổ chức đốt lửa, múa xòe, nhảy sạp… tại sân của gia đình đó. Đặc biệt, khi địa phương tổ chức lễ hội mọi người ở đây lại tập múa, hát, thổi sáo, thổi khèn để biểu diễn. Nhiều chị em trong thôn dù không phải là người Thái, hoặc người Thái ở các vùng khác đến như Thanh Hóa, Thái Bình… muốn tham gia cùng, thì các chị em ở đây lại cho mượn đồ áo, chỉ dạy hết các điệu múa truyền thống như xòe quạt, xòe khăn để biểu diễn chung, thể hiện sự đoàn kết với mọi người. Nhiều năm trở lại đây, các chị em ở đây nhiều lần được mời tham gia biểu diễn múa hát tại xã, huyện và các vùng lân cận.
Phụ nữ Thái ở đây vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống. |
Chị Lơ kể, ở quê từ nhỏ đã được nhìn thấy mẹ hằng ngày ngồi bên dệt vải, thêu thùa đồ áo cho cả gia đình. Đến năm 12, 13 tuổi chị đã bắt đầu dệt được các đồ đơn giản trong nhà như khăn, túi xách, rồi tỉ mỉ thêu hoa văn lên những tấm vải mình dệt. Đối với người Thái, dệt vải, thêu tay được xem là thước đo để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái. Tuy nhiên, vào đây không có cây bông vải, khung cửi để dệt nên các chị em dù biết, nhớ cách dệt nhưng chỉ để trong đầu. Trong thời gian tới, mọi người sẽ gửi giống cây bông vải ở quê vào đây để trồng, dựng lại khung cửi để các gia đình sử dụng và chỉ dạy cho con em mình.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc