Multimedia Đọc Báo in

Mở rộng quy mô công trình cấp nước xã Ea Tul

07:45, 11/12/2017

Công trình cấp nước tập trung xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) được đầu tư xây dựng từ năm 2009 do UBND huyện Cư M’gar làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn trên 7 tỷ đồng.

Đến năm 2010, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng và được bàn giao lại cho UBND xã Ea Tul quản lý. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian hoạt động, công trình không phát huy hiệu quả. Tháng 9-2014, UBND huyện Cư M’gar đã bàn giao công trình này cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh quản lý. Trung tâm đã thành lập Ban quản lý, tổ chức tuyên truyền, vận động, tập huấn về quản lý, vận hành công trình, cử nhân viên kỹ thuật làm công tác đấu nối, sửa chữa những hư hỏng nhỏ. Nhờ vậy, từ cuối năm 2014 đến nay, công trình đã hoạt động ổn định. Tuy nhiên hiện nay nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày càng cao, trong khi công suất thiết kế của công trình không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chị H’Lat Mlô ở buôn Đing cho hay: Sau khi công trình được bàn giao cho Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh quản lý đã hoạt động ổn định hơn trước nhưng vào mùa khô, nguồn nước cấp chưa thường xuyên, phải luân phiên, điều tiết giữa các buôn, gia đình phải sử dụng cả nước giếng nữa mới đủ.

Nhân viên quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Tul kiểm tra  việc cấp nước tại buôn Sah A.
Nhân viên quản lý công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Tul kiểm tra việc cấp nước tại buôn Sah A.

Mặc dù chỉ cách trung tâm xã gần 1 km nhưng đến nay, gia đình anh Y Yô Ayun và nhiều hộ ở buôn Sah B vẫn chưa được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung. Nguyên nhân là công trình chưa có hệ thống dẫn ống tới buôn. “Chúng tôi cũng mong sao thời gian tới công trình mở rộng hơn để những hộ có nhu cầu cũng được sử dụng nước sạch, giảm bớt nỗi lo thiếu nước vào mùa khô”, anh Y Yô bày tỏ.

 
“Trung tâm mong muốn chính quyền địa phương cấp đất xây dựng nhà quản lý công trình, cử người tham gia giám sát công trình, phối hợp xử lý một số vấn đề phát sinh. Về phía người dân, cần tạo thuận lợi trong quá trình giải phóng mặt bằng, chi trả tiền đấu nối, có ý thức bảo vệ công trình và sử dụng nguồn nước tiết kiệm”.
 
Ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm NS & VSMTNT tỉnh

Ông Y Yuin Niê, quản lý công trình cấp nước tập trung xã Ea Tul cho biết, công trình gồm 1 giếng khoan sâu 120 m, hệ thống bồn lọc, đài nước dung tích 50 m3, với công suất thiết kế 222,8 m3/ngày đêm, hiện đang cấp nước cho trên 500 hộ dân thuộc 7 buôn trên địa bàn xã gồm: buôn Tia, Knia, Phơng, Đing, Brah, Sah A, H’ra A. Tuy nhiên, do đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, chưa có tiền đăng ký kết nối; một số hộ chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh nên chưa mặn mà tham gia. Ở 4 buôn xa khu vực trung tâm xã chưa có đường ống nên nhiều hộ có nhu cầu chưa được đấu nối. Hơn nữa, công suất thiết kế ban đầu của công trình hiện không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Được biết, mới đây UBND tỉnh đã phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Tul. Theo đó, dự án sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2017 - 2018 với tổng kinh phí dự kiến trên 6,73 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn của Ngân hàng thế giới. Ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh cho hay, nguồn vốn trên sẽ đầu tư làm mới hố thu nước, hệ thống bơm, bể lọc, vật liệu lọc, bể chứa và bổ sung, lắp đặt mới một số tuyến đường ống, nâng công suất thiết kế lên 380 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trên địa bàn.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.