Multimedia Đọc Báo in

"Nóng" tình trạng sinh đông và sinh dày ở thôn Cư Rang

09:05, 01/12/2017

Tình trạng mỗi gia đình có từ 5-7 người con, thậm chí có 9 con là chuyện hết sức bình thường ở thôn Cư Rang, xã Cư Pui (huyện Krông Bông).

Thôn Cư Rang hiện có 184 hộ, với 1.265 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào. Ở đây, nhiều cặp vợ chồng sinh 5-7 người con, thậm chí nhiều hơn thế. Điển hình như vợ chồng anh Hoàng Chính Dình và chị Ma Thị Me đã có tới 9 người con (đứa đầu 21 tuổi, đứa thứ chín mới 2 tuổi).

Chị Đào Thị Xá  và những đứa con còi cọc, lem luốc.
Chị Đào Thị Xá và những đứa con còi cọc, lem luốc.

Sinh đông và sinh dày, cùng với việc thiếu đất đai, tập quán canh tác lạc hậu… đã làm cho cuộc sống của nhiều gia đình lâm vào cảnh nghèo đói, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của thôn hiện chiếm hơn 70%; trẻ em từ khi sinh ra và lớn lên thường bị suy dinh dưỡng vì thiếu ăn. Đơn cử như gia đình anh Dương Văn Dùng và chị Đào Thị Xá lấy nhau từ năm 2000 nhưng đến nay đã có 7 người con (đứa đầu 17 tuổi, đứa thứ bảy mới được 1 tuổi). Nhiều lần mang nặng đẻ đau khiến chị Xá thường xuyên đau ốm; gánh nặng gia đình đè nặng lên vai người chồng. Thu nhập từ việc đi làm thuê của anh Dùng không đủ trang trải chi phí, nhiều hôm cơm không đủ ăn. Những đứa con của vợ chồng anh lớn dần lên trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc; từ khi sinh ra đến giờ, đứa nào cũng bị suy dinh dưỡng. Vợ chồng anh Hoàng Văn Lình và chị Lý Thị Phượng cũng đã có tới 7 người con (đứa đầu 14 tuổi, đứa thứ bảy mới hơn một tháng tuổi). Sinh đông và sinh dày nên gia đình anh Lình vẫn luẩn quẩn với cái đói, cái nghèo từ nhiều năm nay. Ngôi nhà mà họ đang ở được ghép bằng những miếng gỗ tạp và lợp tôn cũ kỹ, nền đất. Anh Lình giãi bày: “Mình phải đi làm thuê, làm mướn đủ mọi việc mới có tiền mua thức ăn và cho con đi học. Gia đình thường xuyên lâm cảnh túng thiếu, vay mượn, nợ tiền mua gạo. Đứa con đầu mới học hết lớp 3 đã bỏ học để lên rẫy trồng sắn, trồng bắp…”. Dù cuộc sống khó khăn như vậy nhưng nhiều lần cán bộ dân số đến tư vấn, vận động mà vợ chồng anh Lình vẫn chưa sử dụng biện pháp tránh thai.

Trong thôn Cư Rang có 206 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì có 123 cặp sinh con thứ 3 trở lên; năm 2016 có 17 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, từ đầu năm 2017 đến nay cũng đã có 12 trường hợp.

Nguyên nhân của tình trạng sinh đông con ở thôn Cư Rang là do trình độ dân trí thấp, nhiều phụ nữ không nói được tiếng Kinh. Vì thế, dù được cán bộ dân số hướng dẫn cách sử dụng biện pháp tránh thai nhưng được một thời gian họ lại quên, dẫn đến sinh con do vỡ kế hoạch. Khó khăn nhất trong công tác vận động về kế hoạch hóa gia đình vẫn là quan niệm của người dân còn lạc hậu, thích sinh đông con và thích có con trai để có người lao động và nối dõi.

Thiết nghĩ, để xóa bỏ quan niệm lạc hậu không phải là chuyện “một sớm, một chiều”. Nếu chỉ có nỗ lực của cán bộ dân số là chưa đủ mà đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc quyết liệt hơn của Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương trong công tác dân số-KHHGĐ mới có thể giảm thiểu tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở thôn Cư Rang.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.