Sức sống mới ở buôn H'ring
Về buôn H’ring (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) hôm nay, dễ dàng cảm nhận được sự đổi thay và bình yên qua từng con đường, ngõ xóm phong quang, những ngôi nhà mới xây ngày càng nhiều hơn sau mỗi mùa thu hoạch...
Kinh tế khởi sắc
Chứng kiến những đổi thay của buôn H’ring, khó có thể hình dung được rằng nơi đây từng là một trong những điểm nóng về an ninh trật tự, khi có hàng trăm người đã tin và nghe theo lời xúc giục của kẻ xấu đi theo tà đạo Hà Mòn. Với sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng, buôn làng đã trở lại bình yên, người dân chí thú làm ăn, phát triển kinh tế, nhiều người đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, tích cực tham gia xây dựng buôn làng giàu đẹp.
Như ông A Krin sau khi quay về lo tu chí làm ăn, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương, đến nay gia đình ông đã trở thành một trong những hộ có kinh tế vững với 1 ha cà phê và 0,5 ha tiêu; bản thân ông đảm nhiệm chức vụ chi hội trưởng Chi hội nông dân của buôn, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Kon H’ring.
Hay như vợ chồng anh A Kut, ban đầu mới ra ở riêng kinh tế cũng chật vật. Qua tham gia các lớp khuyến nông, anh đã thay đổi cách nghĩ cách làm, thực hiện trồng xen tiêu trên diện tích cà phê, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả, năng suất cây trồng ngày càng tăng, kinh tế ngày càng phát triển. Hiện ngoài 3 ha trồng cà phê xen tiêu, gia đình anh còn còn mở thêm cửa hàng bán tạp hóa và thu mua nông sản để có thêm nguồn thu nhập…
Thưởng thức rượu cần tại Lễ hội mừng lúa mới của người Xê Đăng ở buôn H’ring năm 2018. |
Với nỗ lực vươn lên của bà con, đời sống mọi mặt ở buôn ngày càng khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14 triệu đồng/năm (năm 2009) lên 20 triệu đồng/năm (năm 2017). Hiện tỷ lệ hộ nghèo của buôn chỉ còn 24,9% (giảm 10,1% so với năm 2016).
Nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống
Cộng đồng người Xê Đăng ở buôn H’ring rời huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) sang Đắk Lắk sinh sống từ năm 1975 nhưng đến nay họ vẫn duy trì, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bà con vẫn giữ gìn nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống, chế tạo nhạc cụ dân tộc cùng một số nghề thủ công như đan lát, tạc tượng…
Văn hóa cồng chiêng luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng. Buôn còn bảo tồn 2 bộ chiêng, 1 cái trống và nhiều nhạc cụ dân tộc như đàn tơ rưng, đàn ting ning, đàn goong, ống vỗ klong pút… Đội chiêng của buôn có 13 thành viên vẫn thường xuyên luyện tập và biểu diễn phục vụ cộng đồng mỗi dịp lễ hội. Đặc biệt, vào tối thứ 5 hàng tuần, những người đánh chiêng điêu luyện như ông A Nol, ông A Blôih lại tập hợp đám trẻ trong buôn đến nhà cộng đồng để dạy đánh cồng chiêng.
Đội cồng chiêng của buôn đang luyện tập. |
Trong đời sống hiện đại, một số lễ hội của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, hay chỉ xuất hiện trong các dịp biểu diễn mang tính phục dựng, thì cộng đồng người Xê Đăng ở đây vẫn duy trì Lễ hội mừng lúa mới diễn ra vào ngày 1 tháng 1 (dương lịch) hàng năm, trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, mọi người cùng nhau tụ họp để tận hưởng men nồng của rượu cần, mùi thơm từ cơm lúa mới và ngất ngây trong điệu múa truyền thống của dân tộc.
Theo ông Trần Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Ea H’đing, mấy năm qua buôn H’ring được công nhận là buôn văn hóa cấp huyện. Thời gian tới, xã sẽ triển khai xây dựng một số mô hình kinh tế điểm, tạo điều kiện cho bà con ở đây được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời huy động nguồn lực trong nhân dân và các nguồn vốn khác tiến hành sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường trong buôn giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi hơn…
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc