Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa phong trào "nuôi heo đất" tiết kiệm ở Quảng Hiệp

09:28, 24/05/2018
Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nhân rộng phong trào “nuôi heo đất”, tiết kiệm tiền để hỗ trợ người nghèo. Từ phong trào này, nhiều hộ nghèo đã được tiếp sức để có cơ hội  phát triển sản xuất ổn định cuộc sống.

Phong trào “nuôi heo đất” ở xã Quảng Hiệp bắt đầu từ ý tưởng của ông Phan Lưu, cựu chiến binh thôn Hiệp Hưng. Vốn là thành viên tổ dịch vụ thu gom rác của thôn, ông Lưu được một số người dân trả công quét dọn và thu gom rác thải bằng tiền xu, tiền lẻ. Ông Lưu nảy ra ý tưởng mua một con heo về bỏ số tiền ấy vào. Khi heo đất đầy, ông giao lại cho Ban công tác Mặt trận thôn giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Nhận thấy đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, Ủy ban MTTQ xã đã báo cáo Đảng ủy xã Quảng Hiệp nhân rộng và phát động phong trào “nuôi heo đất” tiết kiệm trong cán bộ, công chức, đảng viên.

Khi mới triển khai phong trào, toàn xã đã huy động được 37 con heo đất tiết kiệm với tổng số tiền hơn 17 triệu đồng, đóng góp vào quỹ Vì người nghèo của xã để hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà cho hộ nghèo. Từ hiệu quả thiết thực của phong trào này, Đảng ủy xã đã chỉ đạo MTTQ và các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên các hội, đoàn thể, các trường học, cơ quan, đơn vị, tổ chức tôn giáo và nhân dân tham gia. Nhờ vậy, phong trào đã ngày càng lan tỏa trong cộng đồng.

Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh tìm hiểu mô hình nuôi heo đất tiết kiệm của Hội Cựu chiến binh xã Quảng Hiệp.
Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh tìm hiểu mô hình nuôi heo đất tiết kiệm của Hội Cựu chiến binh xã Quảng Hiệp.

Hội Cựu chiến binh xã Quảng Hiệp là một trong những đơn vị tích cực  hưởng ứng phong trào “nuôi heo đất” tiết kiệm. Ông Vũ Ngọc Nhanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã chia sẻ: “Phong trào “nuôi heo đất” tiết kiệm hỗ trợ người nghèo không chỉ là việc làm thiết thực học tập và làm gương Bác mà còn là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Riêng Hội Cựu chiến binh xã mỗi năm tiết kiệm được từ phong trào này khoảng 10 triệu đồng đóng góp vào quỹ Vì người nghèo xã.

Từ phong trào “nuôi heo đất” tiết kiệm, hàng chục hộ nghèo của xã Quảng Hiệp đã được hỗ trợ để sửa chữa nhà ở, phát triển sản xuất. Anh Lô Phương Điền (dân tộc Tày) ở thôn Hiệp Tiến mới được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà Đại đoàn kết năm 2017 tâm sự: “Vào sinh sống, lập nghiệp ở đây đã hơn 33 năm nhưng do điều kiện kinh tế quá khó khăn, gia đình tôi vẫn chưa có căn nhà tươm tất để ở. Nhờ quỹ Vì người nghèo xã hỗ trợ xây dựng nhà, gia đình tôi không còn lo cảnh mưa dột, gió lùa nữa. Ai cũng phấn khởi, vui mừng, động viên nhau làm ăn để vươn lên thoát nghèo”. Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Kiều ở thôn Hiệp Hưng, sau khi được Ủy ban MTTQ xã hỗ trợ một cặp dê giống vào năm 2016, các tổ chức đoàn thể thường xuyên động viên, hướng dẫn cách chăm sóc, vợ chồng chị đã phát triển đàn lên 8 con. Đây là nguồn vốn giúp gia đình chị có thêm điều kiện chăm lo cho các con ăn học.

Cán bộ, đảng viên Chi bộ cơ quan xã Quảng Hiệp tham gia Ngày hội đập heo đất.
Cán bộ, đảng viên Chi bộ cơ quan xã Quảng Hiệp tham gia Ngày hội đập heo đất.

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hiệp Bùi Thanh Bình đánh giá: Sau 7 năm phát động, phong trào “nuôi heo đất” tiết kiệm giúp đỡ hộ nghèo đã thực sự lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, được các địa phương khác trong huyện học tập, nhân rộng. Phong trào đã góp phần xây dựng ý thức thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ trong cộng đồng và khơi dậy tinh thần “Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, cùng chung tay giúp đỡ xóa nhà tạm và thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Từ năm 2011 đến cuối năm 2017, các thôn, cơ quan, đoàn thể, trường học, tổ chức tôn giáo và nhân dân xã Quảng Hiệp đã “nuôi” được 1.366 con heo đất tiết kiệm, thu được tổng số tiền trên 719 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 11 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách và hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức luân chuyển cho các hộ nghèo.

Nguyễn Xuân

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.