Multimedia Đọc Báo in

Người Mông ở Ea Kiêu vui ngày có điện

08:56, 07/05/2018

Những ngày cuối tháng 4, đồng bào Mông ở xóm Ea Kiêu, buôn Ea Boa, xã Ea Trang (huyện M’Đrắk) vui mừng được đón dòng điện thắp sáng từ Dự án cấp điện cho 31 thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số chưa có điện thuộc 19 xã của 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ea Kiêu là cụm dân cư thuộc buôn Ea Boa của xã vùng đặc biệt khó khăn Ea Trang. Trong nhiều năm qua, 47 hộ dân với 213 nhân khẩu phải sống trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, khi mà cụm dân cư không có “điện, đường, trường, chợ”. Cách đây 15 năm, bà con người Mông ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng đã di cư tự phát vào tận rừng sâu Ea Trang tìm kế sinh nhai và lập lên xóm Ea Kiêu. Năm 2000, huyện M’Đrắk và tỉnh Đắk Lắk đã vận động bà con di dời ra định cư gần trung tâm xã, trong đó có phương án hỗ trợ người dân làm nhà ở. Nhưng vì nơi định cư không có đất sản xuất nên người dân tiếp tục bám trụ trong rừng, phát nương, làm rẫy. Năm 2004, buôn Ea Boa được thành lập và xóm Ea Kiêu nằm trong quy hoạch của buôn này.

Mặc dù đã được hỗ trợ nhiều từ các chính sách ưu đãi của Trung ương và địa phương nhưng nhìn chung đến nay cuộc sống của bà con xóm Ea Kiêu vẫn còn thiếu thốn trăm bề. Khó khăn nhất vẫn là giao thông trắc trở và không có điện. Xóm Ea Kiêu nằm biệt lập trong rừng, từ trục chính của xã, phải men theo con đường rừng dài hơn 3 km với nhiều đèo dốc quanh co mới vào tới nơi bà con định cư. Mặc dù đang là cao điểm mùa khô nhưng chiếc xe bán tải của Điện lực Ea Kar phải cài cả cầu trước, tăng giảm ga, đánh lái liên tục mới có thể vượt qua những khúc cua nguy hiểm của chặng đường. Anh Nguyễn Công Hướng, Phó Giám đốc Điện lực Ea Kar cho hay: “Với con đường này, mùa khô còn có thể đi lại được, chứ mưa xuống là cả ô tô, xe máy đều “bó tay” và chỉ còn cách duy nhất là đi bộ”.

Công nhân Điện lực Ea Kar hoàn tất công việc đưa điện về xóm Ea Kiêu.
Công nhân Điện lực Ea Kar hoàn tất công việc đưa điện về xóm Ea Kiêu.

Trước những khó khăn, thiếu thốn của bà con Ea Kiêu, giữa năm 2017, công trình cấp điện sinh hoạt cho cụm dân cư này được khởi công. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng, gồm thi công 3,4 km đường dây trung áp, 1,5 km đường dây hạ áp, 1 trạm biến áp 100kVA. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ đường dây kéo điện vào nhà, công tơ điện và mỗi hộ 2 bóng điện chiếu sáng. Mặc dù quy mô công trình nhỏ nhưng do đường vận chuyển nguyên vật liệu khó khăn, mùa mưa lại kéo dài nên phải mất gần một năm công trình mới hoàn thành và đóng điện trong niềm vui khôn xiết của bà con xóm Ea Kiêu. Anh Chư Dí Mìn, buôn phó buôn Ea Boa phấn khởi: “Kể từ ngày đặt chân đến vùng đất mới này, gần 20 năm bà con phải sống trong cảnh tối tăm vì thiếu ánh điện. Không có điện, người dân không thể sử dụng những tiện nghi hiện đại, không đầu tư sản xuất lớn được. Việc học hành của bọn trẻ cũng vất vả hơn dưới ánh đèn dầu tù mù. Bà con khát khao ánh điện lắm! Nay được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư công trình điện này, bà con vui lắm. Cảm ơn các cấp chính quyền và cảm ơn cán bộ, công nhân điện!”.

Có mặt trong ngày đóng điện cho xóm Ea Kiêu, ông Y Toan Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Trang cho biết: “Những năm gần đây, Ea Trang được đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhất là công trình cấp điện sinh hoạt. Đến nay 13/13 thôn, buôn của Ea Trang đã có điện. Nhờ có điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất, cuộc sống của 1.257 hộ dân xã Ea Trang vơi bớt khó khăn, văn minh hơn, sản xuất đạt hiệu quả kinh tế. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Ea Trang giảm xuống còn gần 50%. Với công trình điện này, chắc chắn cuộc sống của bà con xóm Ea Kiêu sẽ nhanh chóng thay đổi, từng bước ấm no hơn”.

Bình Định


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.