Multimedia Đọc Báo in

Mưu sinh giữa mùa nắng

08:26, 06/05/2018

Những ngày tháng 4 trời nắng gắt như thiêu như đốt, hầu như ai cũng muốn được ở trong nhà để “trốn”. Thế nhưng những người lao động vẫn hằng ngày phơi mình dưới nắng để mưu sinh, bất chấp sự mệt mỏi đang đeo bám.

Dù mới 13 giờ chiều, thời điểm mà nắng gay gắt nhất trong ngày, nhưng anh thợ xây Nguyễn Văn Sâm (40 tuổi, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã khăn gói ra công trình để bắt đầu công việc. Có mặt tại công trường xây dựng trong thời điểm này mới thấy được cảnh cực khổ của các công nhân đang làm việc giữa cái nắng chói chang. Anh Sâm cho biết, nhà chỉ có gần 2 sào đất rẫy làm nông không đủ sống nên anh chọn nghề thợ xây để kiếm thêm thu nhập. Nếu làm thường xuyên một tháng anh có thu nhập khoảng 8 triệu đồng, số tiền này cũng khá cao với lao động phổ thông. Tuy nhiên, công việc thợ xây cũng bị ảnh hưởng về mặt sức khỏe, nhất là vào những ngày nắng. “Đây là khoảng thời gian nhiều hộ chọn xây nhà nhất trong năm nên chúng tôi phải tranh thủ làm để có thu nhập, chứ qua mùa mưa thì lại ngồi chơi vì không có việc. Thế nên dù trời nắng gắt thì chúng tôi vẫn cố làm”, anh Sâm chia sẻ về công việc của mình.

Những công nhân vệ sinh môi trường lao động dưới thời tiết nắng gắt.
Những công nhân vệ sinh môi trường lao động dưới thời tiết nắng gắt.

Những người bán hàng rong cũng là những người lao động thường xuyên “phơi” mình dưới nắng để mưu sinh, họ có mặt ở hầu hết những con đường trung tâm thành phố. Cô Hồ Thị Xuân Hằng bán trái cây tại góc ngã tư đường Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) đã ngót nghét được 20 năm. Cô Hằng cho hay, trước đây cô đứng bán tại chỗ từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, sau đó sẽ đẩy đi bán trên các tuyến phố. Tuy nhiên, theo thời gian sức khỏe dần giảm sút nên giờ chỉ đứng bán một chỗ đến khi hết thì về. Càng những ngày nắng gắt như bây giờ thời gian đứng bán càng lâu, vì trời nóng nên nhu cầu khách hàng giải nhiệt bằng trái cây, đồ chua tăng lên. Cứ đứng bán dưới nắng lâu, tối về cô lại đau đầu và mệt hơn, nhưng đó là công việc mưu sinh nên phải cố gắng. Nhờ nó, 20 năm nay cô đã cùng chồng trang trải cuộc sống, nuôi hai con ăn học đầy đủ, nên người. Thế nên không chỉ trời nắng mà trời mưa cô vẫn chọn cho mình chỗ đứng phù hợp để bán hàng.

Anh Nguyễn Văn Sâm làm việc giữa trời nắng gắt.
Anh Nguyễn Văn Sâm làm việc giữa trời nắng gắt.

Cũng không dễ dàng hơn trong việc mưu sinh như những ngành nghề khác, nhưng có thể chọn cho mình một bóng mát dưới gốc cây để tránh khi trời nắng là hình ảnh của bác xe ôm Ngô Bá Vương (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột). Bác Vương nay đã 55 tuổi, rất vui tính khi tâm sự về cái nghề được cho là “thức thời” của mình. Trước đây (cách đây 10 năm) chạy xe ôm rất sướng, đông khách vì lúc đó người dân còn có ít xe riêng nên thường “vẫy” xe ôm để đi; mùa nắng, mùa mưa gì bác cũng có thu nhập đều đều. Đến nay, có nhiều hãng xe taxi, giá thành rẻ, họ lại chuyển sang đi xe này. Trời càng nắng, càng mưa thì họ càng chọn đi taxi nên nghề xe ôm “đói”. Giờ thì đỡ hơn, do có Grap nên nhiều khi chỉ cần ngồi dưới gốc cây, mở điện thoại lên là có thể kiếm được khách hàng. Đặc biệt là dịch vụ giao hàng tận nơi nở rộ, bác cũng như đồng nghiệp có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Nắng gắt không ai muốn ra đường, họ mới cần đến mình, kiếm được thu nhập tôi cũng vui nên chẳng nề hà gì chuyện nắng nôi. Mệt quá thì ăn uống nhiều vô để có sức khỏe là được thôi”, bác Vương vui vẻ chia sẻ.

Không chỉ là anh thợ hồ, là bác xe ôm, hay cô bán hàng rong mà còn rất nhiều người, đặc biệt là những lao động nghèo đang oằn mình dưới nắng để kiếm sống. Dẫu biết rằng, có thể sẽ bị ốm đau trong những ngày trời đổ nắng gắt, nhưng không ai có suy nghĩ sẽ nghỉ ở nhà “tránh nóng”, như thế sẽ mất đi một khoản thu nhập để trang trải thêm cuộc sống. Thế nên, chỉ mong sao những cơn nắng sẽ dịu lại để những người lao động bớt phần mệt mỏi, có thêm sức khỏe để mưu sinh.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.