Multimedia Đọc Báo in

Vượt lên hoàn cảnh tật nguyền

09:25, 24/05/2018

Từ quê hương Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình), năm 1998 ông Phạm Văn Hoàn đưa vợ và hai con nhỏ vào lập nghiệp ở thôn Tân Lập, xã Cư Mta (huyện M’Đrắk). Không có vốn liếng, không đất sản xuất, hai vợ chồng ông không quản mưa nắng đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày và tích lũy để nuôi các con ăn học.

Cuộc sống tưởng chừng như sẽ mãi trôi qua bình dị như thế, nhưng không ngờ vào năm 2003, một tai nạn lao động xảy ra khiến ông Hoàn bị liệt toàn thân. Đó là vào ngày 27-3-2003, khi đang giúp một người quen cùng quê ở xã Krông Jing dựng lại căn nhà, thì ông Hoàn bị mái ngói đổ sập lên người, khiến ông bị đứt tủy sống lưng, thương tật vĩnh viễn 80%, tê liệt hoàn toàn vùng lưng eo trở xuống hai chân. Trong suốt 4 tháng nằm điều trị ở bệnh viện, nghe những lời bàn tán của người thân quen về hoàn cảnh của mình, ông Hoàn từng nghĩ “mình chết đi thì có lẽ sẽ đỡ gánh nặng cho vợ con”. Nhưng thương hai đứa con thơ dại đang tuổi ăn tuổi lớn, rất cần sự dạy dỗ, yêu thương của người cha, ông tự nhủ mình không được bi quan, không được đầu hàng số phận. Ông quyết tâm giành lấy sự sống trong sự khâm phục của y bác sĩ và người thân, hàng xóm.

Từ quê hương Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình), năm 1998 ông Phạm Văn Hoàn đưa vợ và hai con nhỏ vào lập nghiệp ở thôn Tân Lập, xã Cư Mta (huyện M’Đrắk).
Từ quê hương Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình), năm 1998 ông Phạm Văn Hoàn đưa vợ và hai con nhỏ vào lập nghiệp ở thôn Tân Lập, xã Cư Mta (huyện M’Đrắk).

Sau khi ra viện, suốt 3 năm đầu về nhà, mọi sinh hoạt cá nhân của ông Hoàn phải phụ thuộc vào người thân. Thương vợ con tảo tần sớm tối, chưa bao giờ ông than thân trách phận. Những lúc bị vết thương hành hạ, ông mím môi, quay mặt vào tường giấu kín nỗi đau; khi đỡ đau thì ông vịn hai thanh tre tập đi, có lúc bò lết ra đất để cử động đôi chân đang dần teo tóp lại. Tập luyện ròng rã 5 năm sau vụ tai nạn lao động, ông Hoàn mới có thể đi lại bằng nạng sắt. Ông trăn trở suy nghĩ: “Để không là gánh nặng cho gia đình thì mình phải làm gì đó để mưu sinh, nuôi bản thân”. Trong một lần thấy vợ đi chợ về mua cây chổi quét nhà, ông nảy ra ý định tự học làm chổi và kiếm sống bằng nghề đan chổi đót.

Với vật liệu đầu tiên là 10 kg cây đót và vài sợi mây đan, ông Hoàn tự mày mò cách đan chổi. Thời gian đầu cơ thể còn yếu, tay nghề chưa quen, mỗi ngày ông làm được vài cái chổi, cứ dồn đến cuối tuần cho con gái vác ra chợ bán. Dần dần, thấy chổi đan chắc chắn và biết được hoàn cảnh của ông, nhiều cửa hàng quen biết đặt hàng, giúp ông duy trì thường xuyên 5 - 6 đầu mối tiêu thụ, mỗi lần nhập 10 cái chổi với giá 7.000 đồng/cái, giúp gia đình có thêm vài đồng tiền mua rau, mua cá. Trong sự yêu thương, đùm bọc của anh em và tình làng nghĩa xóm, ông Hoàn càng có quyết tâm vươn lên. Cứ cần mẫn lao động, tích cóp, năm 2009, cùng với sự giúp đỡ của anh chị em, họ hàng lối xóm, gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà cấp 4 khang trang, diện tích 100 m2 trị giá khoảng 150 triệu đồng.

Điều đáng khâm phục nữa là, dù hoàn cảnh gia đình đặc biệt như vậy nhưng vợ chồng ông Hoàn vẫn cố gắng lo cho hai con ăn học. Đáp lại sự vất vả của cha mẹ, các con đều chăm ngoan học giỏi, con gái ông đã học xong đại học và hiện là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tô Hiệu (xã Cư San); cậu con trai cũng đã trưởng thành, có thể phụ giúp cha mẹ. 

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc