Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn voi ở Đắk Lắk: Vẫn còn nhiều thách thức

09:38, 01/06/2018

Công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn đang đối diện với nhiều thách thức - đây là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị giữa kỳ Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến 2020 vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi, trên địa bàn tỉnh hiện có 45 con voi nhà và khoảng 80 - 100 cá thể voi rừng. Trong những năm qua đã ghi nhận nhiều trường hợp voi rừng và voi nhà bị chết với nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể từ năm 2012 đến nay, có 10 con voi nhà bị chết và từ năm 2009 đến nay có 25 con voi rừng bị chết (6 con voi lớn, 19 con voi nhỏ) cho thấy công tác bảo tồn voi đang gặp phải những thách lớn khi số lượng voi suy giảm liên tục.

Chuyên gia nước ngoài (bìa phải) đang hướng dẫn nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi điều khiển hành vi của voi.
Chuyên gia nước ngoài (bìa phải) đang hướng dẫn nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi điều khiển hành vi của voi.

Ông Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam cho rằng, cơ hội để thu hút sự hỗ trợ của nước ngoài đối với công tác này rất lớn. Chính ông cũng đã đưa đại diện của một số tổ chức sang đây để tham quan, khảo sát và họ cũng muốn hỗ trợ nhưng lại e ngại cơ sở vật chất để phục vụ công tác bảo tồn voi của Đắk Lắk còn nhiều hạn chế. Ông Tuấn Bendixsen nêu thí dụ: hiện nay Trung tâm Bảo tồn voi đang xây dựng ở Buôn Đôn nhưng chưa có khu chăm sóc, chữa trị cho voi. Đây là một hạng mục cực kỳ quan trọng trong công tác bảo tồn voi, vì khu nuôi nhốt voi bán hoang dã bằng hàng rào xung điện do tổ chức này tài trợ cho Trung tâm Bảo tồn voi chỉ giữ được những con voi rừng nhỏ hoặc voi nhà. Nếu cứu hộ một con voi rừng lớn thì hàng rào này sẽ không giữ được chúng. Chính vì vậy, địa phương cần ưu tiên xây một khu cứu hộ và chăm sóc voi phù hợp.

Bà Dion Slaughter, chuyên gia về phúc lợi cho voi của Tổ chức Động vật châu Á đánh giá công tác bảo tồn voi ở Đắk Lắk đã có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt là chuyên môn về voi của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác bảo tồn. Tuy nhiên có một trở ngại không hề nhỏ trong công tác bảo tồn voi hiện nay là đàn voi nhà ở Đắk Lắk hầu hết đang phải phục vụ du lịch, điều này làm giảm sức khỏe, tuổi thọ của voi. “Dù vậy, chúng ta không thể đến nói với chủ voi rằng họ không nên dùng voi để chở khách du lịch, mà chúng ta phải xây dựng được những mô hình du lịch với voi một cách thân thiện để các chủ voi thay đổi nhận thức và làm theo“, bà Dion Slaughter chia sẻ.

Voi  kiếm ăn trong khu nuôi nhốt bán  hoang dã  của  Trung tâm Bảo tồn voi.
Voi kiếm ăn trong khu nuôi nhốt bán hoang dã của Trung tâm Bảo tồn voi.

Còn bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, đại diện Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) -  Việt Nam tỏ ra lo lắng đối với không gian sống của đàn voi rừng. Bà Vân cho biết, WWF và Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn đã triển khai kế hoạch Hành động khẩn cấp bảo tồn voi rừng Yok Đôn giai đoạn 2016-2020 với các nội dung chính như: đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật; hiểu được quy mô quần thể và các chuyển động theo mùa của quần thể voi hoang dã; giảm xung đột giữa con người và voi nhằm bảo vệ voi trong chính “ngôi nhà” của mình. “Chúng tôi ưu tiên bảo tồn nguyên vị (bảo tồn đàn voi trong sinh cảnh nguyên thủy của chúng), do đó phải bảo vệ được những cánh rừng tự nhiên, nơi voi hoang dã sinh sống. Hiện nay, có thể thấy sinh cảnh ở VQG Yok Đôn đang được bảo vệ tốt, tuy nhiên voi rừng không chỉ sống trong rừng này mà chúng còn di chuyển đến nhiều nơi khác nữa. Và việc bảo vệ sinh cảnh ở những khu vực nằm ngoài VQG thực sự là vấn đề cần phải thực hiện sớm”, bà Vân cho hay. Điều bà Vân lo lắng là trên thực tế đang có diễn biến xấu khi ở những khu vực rừng vốn là hành lang di chuyển, sinh sống, kiếm ăn của voi hoang dã đang bị xâm hại bởi nạn khai thác lâm sản, phá rừng làm nương rẫy. Như tại huyện Ea Súp -  địa phương nằm trong vùng sinh cảnh của voi rừng, từ năm 2015-2017 rừng tự nhiên đã suy giảm hơn 9.000 ha. 

Về vấn đề này, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch bảo tồn sinh cảnh sống, hành lang di chuyển của voi hoang dã Đắk Lắk với mục tiêu ổn định được nơi cư trú, sinh sống của voi hoang dã trong những cánh rừng tự nhiên, hạn chế voi di chuyển ra những khu vực sản xuất của nhân dân và doanh nghiệp. “Thực tế công tác bảo tồn voi luôn đối mặt với những khó khăn, như Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến 2020 được phê duyệt với số vốn 84,6 tỷ đồng đến nay đã triển khai được 2/3 thời gian nhưng mới giải ngân được hơn 24 tỷ đồng nên hệ thống cơ sở vật chất để phục vụ công tác này vẫn đang trong quá trình xây dựng dở dang. Bên cạnh đó, số lượng voi nhà hiện nay vẫn do các hộ dân, doanh nghiệp làm chủ nên Trung tâm không chủ động được trong việc nghiên cứu và cho voi sinh sản… ”, ông Luân trăn trở. 

Vạn  Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.