Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui từ những "Cây cầu thanh niên"

09:01, 15/06/2018

Sau 5 năm triển khai, đến nay việc xây dựng 23 cây cầu thuộc Dự án Xây dựng cầu nông thôn của Trung ương Đoàn trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành mang đến niềm vui, đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con, góp phần đưa bộ mặt giao thông nông thôn của nhiều vùng quê đổi thay...

Cây cầu mơ ước

Về thôn 10 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) những ngày này chúng tôi cảm nhận được niềm phấn khởi của bà con nơi đây khi cây cầu bắc qua suối Đập Mán vừa được khánh thành đưa vào sử dụng. Cây cầu có chiều dài 9 m, rộng 3,5 m, tải trọng 2,5 tấn được khởi công xây dựng vào đầu năm 2018, với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng và được bàn giao cuối tháng 5 vừa qua.  Nhờ đó, từ nay việc vận chuyển nông sản, đi lại học hành của con em người dân ở thôn 10 được an toàn, nhất là vào mùa mưa.

Cây cầu ở thôn 16 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) được khánh thành và đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
Cây cầu ở thôn 16 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) được khánh thành và đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Trưởng thôn 10 hồ hởi nói: “Ở bên kia suối Đập Mán có hơn 20 ha cà phê, hồ tiêu của người dân thôn 10. Bình quân mỗi năm người dân thu hoạch và vận chuyển khoảng 120 tấn nông sản từ bên kia suối về. Trước đây để đi qua suối, người dân phải làm cây cầu tạm bằng gỗ. Mỗi khi đến mùa thu hoạch, người dân phải chia nhỏ nông sản thành nhiều chuyến mới dám vận chuyển qua cầu. Từ khi có cây cầu mới, công việc này dễ dàng hơn, tiết kiệm được thời gian và công sức”.

 

 “Con tôi suýt bị nước cuốn trôi khi đi qua con suối Đập Mán nên tôi hiểu được nỗi sợ hãi của bà con khi chưa có cây cầu. Giờ có cây cầu này những người dân ở thôn 10 đều rất vui mừng, không còn ám ảnh, lo lắng khi đi qua suối nữa”. 

 
 
Ông Hồ Văn Minh, người dân thôn 10 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn)

Tương tự, hai chiếc cầu ở thôn 7A và 2C ở xã Ea Ô (huyện Ea Kar)  cũng mới được bàn giao và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 5-2018, với tổng kinh phí 1,224 tỷ đồng thuộc Dự án Xây dựng cầu nông thôn. Khi chưa xây dựng cầu mới, người dân ở hai thôn phải dựng tạm cầu gỗ để đi, nhưng cứ sau mỗi lần mưa kéo dài cây cầu gỗ lại bị ngập, có khi bị nước cuốn đi. Bà con ở hai thôn này phải dùng bè mảng để đi lại và đưa con em đến lớp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến đời sống.

Hiểu được nỗi vất vả của các hộ dân sinh sống tại các khu vực này, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với chính quyền xã Ea Ô khảo sát, thi công cây cầu và hoàn thành kịp tiến độ. Bà Đinh Thị Hương, Trưởng thôn 7A nói trong niềm vui: “Cây cầu hoàn thành đưa vào sử dụng đã cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân. Sau bao nhiêu năm, cây cầu mơ ước đã trở thành hiện thực, người dân không còn phải mạo hiểm qua suối mỗi khi mùa mưa đến”.

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Cây cầu ở thôn 10 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) và hai cây cầu ở xã Ea Ô (huyện Ea Kar) là 3 cây cầu cuối cùng được Tỉnh Đoàn thực hiện theo Dự án Xây dựng cầu nông thôn của Trung ương Đoàn với tổng kinh phí 13 tỷ đồng. Trước đó, các cây cầu đã được triển khai xây dựng ở các xã: Quảng Tiến (huyện Cư M’gar), Hòa Thắng, Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), Băng Adrênh (huyện Krông Ana), Cư Êwi (huyện Cư Kuin), Tân Hòa (huyện Buôn Đôn)....  Để các cây cầu nối nhịp những bờ vui bảo đảm kỹ thuật, kịp tiến độ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn, khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, ký kết hợp đồng xây lắp với các đơn vị trúng thầu. Trong quá trình thi công, Tỉnh Đoàn đã phối với Đoàn Thanh niên xã, chính quyền địa phương mở rộng mặt bằng xây cầu. Đặc biệt, có nhiều gia đình đã tình nguyện cho mượn hàng trăm mét vuông đất để việc xây cầu diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Anh Hoàng Quốc Bảo, Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị Tỉnh Đoàn cho biết, Dự án được thực hiện với sự góp sức của hàng nghìn lượt thanh niên tình nguyện. Sau khi các cây cầu hoàn thành, Tỉnh Đoàn đã giao cho Huyện Đoàn chỉ đạo Đoàn Thanh niên các xã thực hiện các phần việc thanh niên trên mỗi điểm cầu như: giữ vệ sinh sạch đẹp, chủ động tôn tạo, tu sửa giúp cây cầu bền vững. Vì vậy, những cây cầu này còn được người dân địa phương gọi là “Cây cầu thanh niên ".

Việc thực hiện thành công Dự án Xây dựng cầu nông thôn của Trung ương Đoàn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định vai trò xung kích tình nguyện của tuổi trẻ Đắk Lắk trong quá trình tham gia xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nghèo ở một số địa phương.

Thùy Duyên

 


Ý kiến bạn đọc