Multimedia Đọc Báo in

"Nóng" chuyện đạo đức người làm báo

08:54, 26/06/2018

Câu chuyện đạo đức người làm báo trở thành chủ đề chính, được đề cập đến trong khuôn khổ Hội thảo báo chí khu vực Tây Nguyên lần thứ VIII năm 2018 do Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk vừa đăng cai tổ chức.

Đề dẫn khai mạc hội thảo do đồng chí Nguyễn Văn Phú, Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk khẳng định: “Chất lượng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời nhau, luôn luôn là đòi hỏi hết sức quan trọng, là yêu cầu bắt buộc đối với những người làm báo. Nó mang tính quyết định hiệu quả hoạt động nghiệp vụ của nhà báo”. Tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh những nhà báo chân chính có trình độ nghiệp vụ sâu, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng, thì trong đội ngũ những người làm báo vẫn còn những trường hợp thiếu một trong hai yếu tố này, dẫn đến tình trạng vi phạm đạo đức người làm báo. Đơn cử là thời gian gần đây, liên tục xảy ra trường hợp các nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, danh nghĩa người làm báo để trục lợi phải vướng vào vòng lao lý đã khiến những người làm báo chân chính không khỏi xót xa.

Các phóng viên  đang  tác nghiệp tại một lễ hội đua voi.
Các phóng viên đang tác nghiệp tại một lễ hội đua voi.

Phân tích nguyên nhân khiến một số nhà báo bị tác động bởi nhiều yếu tố mà bẻ cong ngòi bút, trong tham luận “Rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp cho hội viên – vấn đề cấp bách hiện nay”, Báo Đắk Lắk đã chỉ rõ 5 biểu hiện dẫn đến thực trạng buồn trên là: các nhà báo bị chi phối bởi lợi ích vật chất, bị lợi dụng phục vụ lợi ích nhóm hoặc câu kết tạo áp lực với cơ sở, thông tin chủ quan, áp đặt và xâm hại đời tư, vi phạm quyền trẻ em. Đồng quan điểm trên, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai với tham luận “Nâng cao đạo đức người làm báo trong tình hình hiện nay” cũng nhìn nhận, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận người làm báo đã và đang có những biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, thể hiện qua việc thông tin sai sự thật, thông tin mang tính giật gân, câu khách, thiếu tính nhân văn, phản khoa học. Tham luận của Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông lại đưa ra một biểu hiện khác của vi phạm đạo đức người làm báo là có không ít phóng viên, nhà báo làm báo theo kiểu “sa lông”, không chịu khó đi thực tế mà chỉ khai thác thông tin qua trang mạng, lấy thông tin từ sự chia sẻ của đồng nghiệp và bịa đặt, thêm thắt, hư cấu thêm, vi phạm trầm trọng tính khách quan, chân thật, yếu tố hàng đầu của báo chí.

Vậy, trước những yếu tố khách quan, chủ quan tác động nhiều mặt, làm thế nào để đội ngũ những người làm báo giữ vững được “tâm sáng – lòng trong – bút sắc” trong quá trình tác nghiệp? Trả lời câu hỏi này, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã hiến kế, đề ra một số giải pháp cần kíp, thiết thực. Theo đó, Hội Nhà báo cần tăng cường, chú trọng công tác bồi dưỡng chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nhất là hội viên trẻ qua việc thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, học tập các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Song song đó cũng cần chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên. Đây là hai giải pháp cần tiến hành đồng bộ, kết hợp với nhau. Bởi lẽ theo phân tích của Hội Nhà báo Gia Lai nếu bản lĩnh chính trị không vững vàng, người làm báo sẽ không có định hướng đúng khi tiếp cận, khai thác đề tài; không đánh giá đúng mục đích, ý nghĩa, sức tác động của sản phẩm báo chí mình làm ra. Ngược lại, nếu trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, người làm báo rất dễ rơi vào trạng thái khai thác, xử lý thông tin nửa vời, thiếu chính xác, thậm chí còn sai lệch, gây tác động xấu đến dư luận, làm giảm niềm tin của độc giả với báo chí.

Với chức năng của tổ chức Hội, trách nhiệm đối với hội viên, Hội Nhà báo 5 tỉnh Tây Nguyên khẳng định sẽ phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ hơn nữa trong thời gian tới. Song để hoàn thành sứ mệnh cao cả của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bản thân mỗi hội viên ngoài sự hợp tác phải luôn tự ý thức, tu dưỡng đạo đức người làm báo, rèn luyện bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng...

Các đại biểu tham dự hội thảo đều chung quan điểm: Để những người làm báo giữ vững được “tâm sáng – lòng trong – bút sắc” trong quá trình tác nghiệp, Hội Nhà báo các địa phương cần sát cánh, đồng hành cùng hội viên trong việc giữ gìn đạo đức, nghề nghiệp người làm báo, bên cạnh sự tự giác nỗ lực, rèn luyện của cá nhân hội viên.


Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.