Tảo hôn ở Ea Wer: Những câu chuyện buồn
Những năm gần đây, cuộc sống của người dân xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn cũng đã có nhiều khởi sắc, song “bóng đen” của nạn tảo hôn vẫn còn hiện hữu ở nơi đây. Nhiều cặp vợ chồng trẻ con “ăn chưa no, lo chưa tới” đang sống trong cảnh túng quẫn, thất học, con cái còi cọc, nhem nhuốc… do hệ lụy của tảo hôn.
Trong khi bạn bè cùng trang lứa đang cắp sách đến trường để “dệt” ước mơ thì H’Mân Ênuôl (15 tuổi, ở buôn Ea Brí, xã Ea Wer) đã làm mẹ của đứa con 11 tháng tuổi. Hai năm trước, khi mới 13 tuổi, H’Mân và Y Nghinh Niê (19 tuổi, ở cùng buôn Ea Brí) thích nhau nên về ở cùng nhau, rồi trở thành vợ chồng trước sự đồng thuận của 2 bên gia đình. Do tuổi còn nhỏ, không nghề nghiệp, lại không có đất đai nên 2 vợ chồng H’Mân vẫn đang ở nhờ nhà bố mẹ, ngày ngày vợ ở nhà chăm con và lo chuyện cơm nước, còn chồng thì đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống qua ngày. Cuộc sống của đôi vợ chồng “nhí” chồng chất khó khăn.
Chị Lê Thị Nghĩa, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Wer (ở giữa) tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình cho các gia đình trên địa bàn. |
Tương tự, H’Bếp Ênuôl cũng ở buôn Ea Brí bỏ học khi chưa qua lớp 7. Đến giữa năm 2017, em đã “lên xe hoa” khi vừa tròn 17 tuổi. Hiện H’Bếp mới sinh con được 2 tháng tuổi nên chỉ ở nhà chăm con, cái ăn, cái mặc của một nhà 3 người đều trông chờ vào tiền làm thuê ngày có, ngày không của chồng em - Y Quang Niê. Tương lai của gia đình trẻ rất mờ mịt khi sống trong tình trạng “3 không” (không nhà; không đất đai, nương rẫy; không công việc ổn định).
Theo chị H’Vôl Bkrông, cộng tác viên dân số buôn Ea Brí, ở buôn thường có những trường hợp tảo hôn là do nhiều gia đình quan niệm cho con cái lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động làm việc. Hơn nữa, nhiều gia đình nghèo nên trẻ thường hay bỏ học sớm, ở nhà lại yêu sớm và lỡ mang thai nên về ở với nhau, đến khi đủ tuổi thì đến UBND xã đăng ký kết hôn.
Hiện nay, tình trạng tảo hôn ở xã Ea Wer vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nếu năm 2017 ghi nhận 3 trường hợp tảo hôn, thì 6 tháng đầu năm 2018, con số này đã là 4 trường hợp. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có trường hợp tảo hôn hoặc tổ chức tảo hôn bị xử phạt theo quy định. |
Không chỉ ở buôn Ea Brí, tình trạng tảo hôn còn xảy ra ở nhiều thôn, buôn khác của xã Ea Wer. Theo số liệu của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Buôn Đôn, từ năm 2013 – 2016, xã Ea Wer đã có 30 trường hợp tảo hôn. Nguyên nhân chủ yếu là do phong tục tập quán; ý thức về Luật Hôn nhân và Gia đình còn hạn chế; nhiều ông bố, bà mẹ chưa quản lý tốt con em của mình, có khi còn bao che, ủng hộ cho “bọn trẻ về ở với nhau” khi chưa đủ tuổi kết hôn. Ngoài ra, một số trường hợp tảo hôn là do sự ảnh hưởng của lối sống, xem phim ảnh không lành mạnh, lỡ “yêu nhau” nhưng lại thiếu kiến thức và không biết cách bảo vệ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn... và phải cưới nhau.
Xã Ea Wer hiện có hơn 9.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 47% dân số. Những năm gần đây, Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã đã chủ động phối hợp với các đoàn thể, ban tự quản thôn, buôn tăng cường tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về hệ lụy của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; vận động sự vào cuộc của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, già làng, trưởng buôn. Không những vậy, đầu năm 2018, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đã phối hợp với các đoàn thể của xã thực hiện 2 đợt cưỡng chế, tháo dỡ rạp, không cho các cặp tảo hôn tổ chức đám cưới… Chị Lê Thị Nghĩa, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Wer cho biết, chị và các cộng tác viên dân số vẫn thường xuyên nắm bắt địa bàn, rà soát đối tượng, đến từng hộ gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên để tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, vận động kết hôn theo pháp luật quy định. Tuy vậy, ý thức chấp hành của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn ở xã Ea Wer không phải là chuyện “một sớm, một chiều”, ngoài đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương với những giải pháp mạnh tay, trong đó có việc thực thi nghiêm các chế tài xử phạt theo luật định đối với những trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn.
Kim Thảo
Ý kiến bạn đọc