Bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát: Cần có giải pháp căn cơ (Kỳ 2)
Kỳ 1: Ồ ạt di cư tự phát đến Đắk Lắk
Kỳ 2: Nhiều khó khăn, hệ lụy
Tình trạng dân di cư tự phát đến Đắk Lắk đã gây ra nhiều khó khăn, phức tạp, xáo trộn về mọi mặt trong đời sống, xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Khó trong công tác quản lý hành chính,bảo vệ rừng
Gia đình chị Lù Thị Nú, dân tộc Hmông rời quê hương Hà Giang di cư ngoài kế hoạch vào sinh sống ở buôn Hmông, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar từ năm 2010. Để có đất sản xuất, gia đình chị đã nhận chuyển nhượng 1 ha đất rẫy của các hộ vào trước với giá 25 triệu đồng. Chị Nú trải lòng: “Ở quê không có đất sản xuất, khổ lắm. Bố mẹ, họ hàng vào trước thấy đất đai bằng phẳng, tốt tươi nên gọi điện thoại về bảo vào. Dù đã sống ở đây được 8 năm nhưng gia đình tôi vẫn chưa có hộ khẩu thường trú, nhà cửa tạm bợ, chưa có điện thắp sáng, phải hứng nước mưa để ăn uống. Cây điều năm được năm mất nên muốn có cái ăn phải trồng thêm lúa rẫy”.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Ea Kiết Nguyễn Tuấn Anh, những năm qua, tình hình dân di cư tự phát đến địa bàn xã diễn ra rất phức tạp. Các hộ dân tộc Hmông, Dao, Tày đã di cư đến các Tiểu khu 540, 544, 547 do Công ty TNHH MTV Buôn Ja Wầm (Công ty Buôn Ja Wầm) quản lý, xâm lấm trái phép hàng trăm héc ta rừng của công ty, tự thành lập các điểm dân cư cách xa trung tâm xã, nằm biệt lập trong rừng, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng, quản lý hành chính, nhân hộ khẩu. Nhiều đối tượng đã sang nhượng đất ở, đất sản xuất bất hợp pháp, thậm chí xảy ra xô xát với nhân viên quản lý bảo vệ rừng của Công ty Buôn Ja Wầm gây mất an ninh trật tự địa phương. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, Đội Quản lý bảo vệ rừng của Công ty Buôn Ja Wầm đã bắt được 5 vụ phá rừng trái phép, phạt hành chính 4 vụ, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 1 vụ.
Dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát ở buôn Hmông (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) phải điều chỉnh quy hoạch vì tình trạng tăng dân số tự nhiên và cơ học. |
Theo đánh giá của UBND huyện Krông Bông, tình trạng dân di cư tự phát đã gây rất nhiều khó khăn cho địa phương, một số hộ chưa được cấp hộ khẩu thường trú do sinh sống không ổn định, phân tán rải rác trong rừng sâu, chưa có giấy tờ xác nhận đất ở hợp pháp hoặc không có giấy chuyển hộ khẩu khiến công tác quản lý nhân khẩu, quản lý bảo vệ rừng tại địa phương ngày càng phức tạp. Từ năm 2008 đến nay, diện tích rừng trên địa bàn huyện Krông Bông bị lấn chiếm, khó thu hồi đã lên đến 241 ha.
Trong chuyến thăm và làm việc với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng cho rằng, độ che phủ rừng của tỉnh, tính cả cây cao su hiện nay chỉ còn trên 38,4% là quá thấp, không đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Vì vậy, bên cạnh việc sắp xếp, ổn định dân cư, tỉnh cần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, nhất là môi trường rừng. |
Ông Hoàng Văn Quả, Trưởng thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho hay, thời điểm năm 1998 gia đình ông và nhiều hộ khác di cư từ phía Bắc vào đây sinh sống thì khu vực này toàn là rừng rậm. Do không có đất ở và đất sản xuất, người dân cứ phá rừng, lấn chiếm dần để có đất canh tác, sinh sống nên đến nay cả vùng rộng lớn này hầu như không còn rừng. Không chỉ tại thôn Ea Lang mà 6 thôn của xã Cư Pui có dân di cư tự phát đều xảy ra tình trạng khai thác rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng trái phép làm nương rẫy. Việc quản lý tạm trú, tạm vắng tại các thôn này cũng gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng. Hay như tại xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, trong năm 2017 có 11 hộ với 61 khẩu dân di cư tự phát người dân tộc H’Mông đi khỏi địa phương nhưng chính quyền chưa xác định được nơi đến.
Phá vỡ công tác quy hoạch của địa phương
Tình trạng dân di cư tự phát đến cư trú, lập nghiệp tại Đắk Lắk với số lượng lớn trong một thời gian dài đã tác động đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch bố trí dân cư và việc quy hoạch, bố trí đất ở, đất sản cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Các hộ dân di cư tự phát đến địa phương còn làm tăng đột biến dân số cơ học tại vùng nhập cư, ảnh hướng đến chiến lược ổn định dân số của tỉnh. Tình trạng quá tải dân di cư tự phát còn gây khó khăn, trở ngại, thậm chí phá vỡ quy hoạch của các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát bởi sau khi tỉnh lập dự án, tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định tại vùng đất mới thì dân di cư ngoài kế hoạch lại tiếp tục kéo vào nên phải điều chỉnh lại mục tiêu dự án hai, ba lần.
Một góc buôn HMông thuộc Dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar. |
Chẳng hạn như Dự án quy hoạch giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và ổn định dân di cư tự phát xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2003, điều chỉnh quy hoạch năm 2007 và được UBND tỉnh phê duyệt năm 2009 với mục tiêu bố trí, sắp xếp cho 141 hộ, 711 khẩu, trong đó, buôn H’Mông, xã Ea Kiết có 82 hộ, 434 khẩu và buôn Xê Đăng, xã Ea Kuếh có 59 hộ, 277 khẩu. Số hộ của buôn Xê Đăng đã thực hiện ổn định tại chỗ. Riêng số hộ ở buôn HMông chưa triển khai bố trí, sắp xếp xong thì từ khi điều chỉnh dự án đến nay đã phát sinh thêm 86 hộ với 418 khẩu do tách hộ và từ các địa phương khác chuyển đến.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Nguyễn Văn Minh cho biết: Việc tìm quỹ đất bố trí quy hoạch các điểm dân cư gặp nhiều khó khăn. Đất tốt không còn rừng đã bị các hộ dân xâm canh, muốn thu hồi phải đền bù, chi phí thực hiện rất lớn, một số vị trí đất bằng thì còn rừng. Do đó, quỹ đất để thực hiện quy hoạch điểm dân cư chủ yếu là đất rừng khộp, rất xấu, có đá lộ đầu. UBND huyện đang làm thủ tục thu hồi 20 ha đất thuộc quản lý của Công ty Buôn Ja Wầm để mở rộng dự án ổn định dân di cư tự phát.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Nỗ lực bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát
Nguyễn Xuân – Lê Lan
Ý kiến bạn đọc