Multimedia Đọc Báo in

Người lao động Việt Nam tại Đài Loan - đôi điều trăn trở

09:08, 27/08/2018

Trong chuyến du lịch đến xứ sở trà sữa trân châu Đài Loan mới đây, gặp và chứng kiến sự vất vả, bươn chải khó khăn của một số người Việt Nam đang lao động tại đây, chúng tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở…

Đang rảo bước trên lối đi trong khu mua sắm, ngắm các mặt hàng sau lớp cửa kính tại Asian Shopping mall - khu mua bán gần ga Đài Trung có nhiều người Việt Nam lao động sinh sống, chúng tôi nghe tiếng người Việt gọi với theo sau. Niềm vui khi gặp đồng hương trên đất nước xa lạ chưa trọn vẹn thì nỗi buồn man mác đã xen vào câu chuyện mà chị Trần Ngọc Linh chia sẻ. Chị là một trong nhiều phụ nữ Việt đang bán hàng ăn nhỏ tại đây. Năm nay 46 tuổi, quê ở TP. Hồ Chí Minh, chị Linh theo chồng sang Đài Loan đã 20 năm, mua bán tích góp nhiều năm nhưng vẫn phải ở nhà thuê. Tủ kính nhỏ bán đồ ăn các loại của chị cho thu nhập mỗi tháng chừng 20 - 30 nghìn Đài tệ (tương đương 15 - 22 triệu đồng); trong đó, riêng chi phí thuê nhà từ 7 - 8 nghìn Đài tệ/tháng (khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng/chừng 16 m2), tiền thuê chỗ mua bán (4 - 5 triệu đồng/tháng) cộng với chi phí sinh hoạt nên việc mua nhà ở là xa xỉ, vì giá nhà đất ở Đài Loan rất cao. Nỗi khắc khổ hiện trên khuôn mặt già trước tuổi đã nói lên cuộc sống của chị Linh không dễ dàng chút nào.

Khu Asean Shopping mall ở Đài Trung – nơi có rất nhiều người Việt Nam lao động, buôn bán.
Khu Asean Shopping mall ở Đài Trung – nơi có rất nhiều người Việt Nam lao động, buôn bán.

Cũng tại Asian Shopping mall, chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Văn Thuận là công nhân xuất khẩu lao động đang làm thêm ngoài giờ cho quán “Bánh cuốn Việt Nam”. Anh Thuận sang Đài Loan theo diện xuất khẩu lao động trong thời hạn 3 năm, làm việc cho xưởng đóng bao bì đã hơn 1 năm, mỗi ngày làm việc 8 tiếng, lương được 1.600 Đài tệ/tháng (tương đương hơn 12 triệu đồng/tháng). Để có thêm thu nhập, buổi tối anh đi làm thêm tại các quán ăn từ 18 - 20 giờ đêm và được chủ trả 100 Đài tệ/giờ (tương đương 75.000 đồng/giờ). Nếu làm việc cật lực, không đau ốm, không nghỉ, sau một năm thì anh mới trả hết tiền đã đóng cho công ty môi giới xuất khẩu lao động (5.700 USD, tương đương 130 triệu đồng). Sau ba năm, nếu đáp ứng yêu cầu công việc, công ty tiếp tục ký hợp đồng, lại đóng thêm 1.000 USD để làm việc tiếp ba năm nữa; ngược lại, nếu công ty không ký tiếp hợp đồng thì có thể về lại Việt Nam làm việc khác hoặc lại phải đóng 5.700 USD để đi Đài Loan làm việc tiếp. Anh Thuận cho biết, hầu hết những người cùng đợt xuất khẩu lao động với anh đều có hoàn cảnh như vậy, tuy nhiên “đâm lao phải theo lao” bởi viễn cảnh diễn ra trước mắt không như “miền đất hứa” mà họ tưởng trước khi sang Đài Loan.

Không chỉ chị Linh, anh Thuận, nghe tâm sự của nhiều người Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan cũng thấy được cuộc sống mưu sinh của họ rất vất vả nhưng chẳng dư giả tí nào.

Nói vậy không phải là không có trường hợp người Việt sinh sống ở Đài Loan có cuộc sống sung sướng, mãn nguyện. Chị Trần Khánh Ly mà chúng tôi gặp tại hồ Sun Moon Lake - Đài Trung là người may mắn như vậy. Chị Ly xinh đẹp, vui vẻ, cởi mở và có 1 quầy bán hàng ăn tại Khu du lịch Sun Moon Lake. Chị tỏ ra hài lòng với cuộc sống hiện tại cùng gia đình chồng và hai người con khôn lớn, được gia đình chồng thương yêu, có nhà cửa ổn định. Song, những người được toại nguyện như chị chiếm tỷ lệ rất thấp trong cộng đồng người Việt theo chồng, lao động, buôn bán…tại Đài Loan.

Một quán ăn Việt Nam tại Đài Trung (Đài Loan).
Một quán ăn Việt Nam tại Đài Trung (Đài Loan).

Trên đường về, tại sân bay Đào Viên (Đài Bắc), chúng tôi gặp đoàn người lao động của Việt Nam chuẩn bị lên máy bay về nước vì đã hết thời hạn lao động quy định. Một người trong đoàn, chị Trần Hạ Long (44 tuổi, quê An Giang) cho biết, nhiều người trong đoàn lao động làm việc theo mùa vụ tại Đài Bắc - Đài Loan (không qua công ty môi giới); thường đi theo diện Visa du lịch 30 ngày (phần lớn thu hái sản phẩm nông nghiệp). Tiền công tuy có cao nhưng cũng không sung sướng gì khi phải trang trải chi phí đi lại bằng máy bay. Diện lao động này phần lớn là người miền Tây Nam Bộ, có nhiều thời gian nhàn rỗi và có người quen tại Đài Loan giới thiệu. Như chị Long được người bà con có chồng Đài Loan thuê sang hái hoa nhài để ướp trà, với tiền công được trả trong đợt (27 ngày lao động) khoảng 20 triệu đồng, nếu không được chủ thuê cho thêm tiền đi, về thì không dư được bao nhiêu. Chị dự kiến về quê chơi một thời gian (khoảng 15 ngày) lại sang tiếp Đài Bắc làm việc theo diện du lịch. Thậm chí chị Long còn đang nghĩ tới việc nhờ người ở Đài Loan tìm đàn ông tin cậy, làm hợp đồng thỏa thuận kết hôn để nhập quốc tịch Đài Loan và định cư lâu dài. Theo chị Long tìm hiểu, thời gian hợp đồng với đàn ông xứ Đài là 5 năm và phải trả cho người chịu “làm chồng” khoảng 300 triệu đồng Việt Nam, số tiền này được trả dần theo thời gian trong 5 năm thỏa thuận trong hợp đồng; năm đầu tiên phải sống chung với “chồng hờ” (để qua mắt chính quyền bên Đài), các năm tiếp theo “nới dần mối liên kết với chồng “hờ”, sau 5 năm tiến hành “ly hôn” và kết thúc hợp đồng. Chị Long cho hay, rất nhiều phụ nữ Việt Nam đã định cư ở Đài Loan bằng cách như vậy.

Những câu chuyện của người lao động Việt Nam ở Đài Loan khiến chúng tôi không khỏi day dứt, trăn trở. Việc nhiều phụ nữ Việt tiến hành những cuộc hôn nhân theo hợp đồng để được định cư xứ người thực sự bất ổn, tiềm ẩn những rủi ro khôn lường mà thiệt thòi không ai khác ngoài người phụ nữ.

Theo thống kê sơ bộ cuối năm 2017, số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan đã lên đến hơn 200 nghìn người, chiếm 30% thị phần lao động nhập khẩu của lãnh thổ này (chỉ đứng thứ hai sau Indonesia); trong đó riêng năm 2017 đã có 66.900 lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc, đưa thị trường này tiếp tục là nơi tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. Hằng năm, Chính phủ Việt Nam đều thông báo thường xuyên đến người lao động để nhận biết các chủ trương, chính sách và các quy định đối với lao động xuất khẩu. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cảnh báo rất nhiều về rủi ro cho người lao động xuất khẩu cảnh giác, phòng ngừa. Tuy nhiên đến nay, một số lao động (chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo) chưa nhận thức đầy đủ nên dễ bị lôi kéo, rủ rê đi lao động theo các “kênh” không chính thống để rồi gặp khó khăn không lối thoát ở một số nước, trong đó có Đài Loan.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.