Multimedia Đọc Báo in

Hoàn cảnh đáng thương của một gia đình có ba người bệnh tật

09:07, 27/08/2018

Dù đã được biết trước qua lời kể của mọi người, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngậm ngùi khi tới thăm gia đình ông Y Thơ Byă (88 tuổi) và bà H’Yuôn Niê (76 tuổi), ở buôn Chóa, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk. Trong căn nhà sàn đã cũ với nhiều mảnh gỗ xiêu vẹo là hình ảnh những con người bệnh tật.

Câu chuyện về cuộc đời được bà H'Yuôn Niê kể một cách chắp nối bởi tuổi già kém minh mẫn và cơn đau bệnh tật hành hạ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Êđê yêu nước, có truyền thống cách mạng ở buôn Pa (xã Cư Prao, huyện M’Đrắk), từ khi còn là một thiếu nữ, bà đã cùng gia đình nuôi giấu bộ đội, tiếp tế cho quân giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bản thân bà còn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng. Sau ngày giải phóng, cả gia đình bà H’Yuôn sơ tán ra sinh sống ở xã Cư Mta, sau đó bà lấy chồng là ông Y Thơ Byă và chuyển về sinh sống ở buôn Chóa, xã Krông Jing cho đến nay. Từ đó, những đứa con lần lượt ra đời, trong đó bốn đứa mất khi còn nhỏ, còn lại hai trai và một gái.

Chị H’Ngâu Niê (giữa) cùng người cha mù loà và người mẹ bị suy thận mãn.
Chị H’Ngâu Niê (giữa) cùng người cha mù loà và người mẹ bị suy thận mãn.

Năm 1986, tai nạn lao động xảy ra với ông Y Thơ (vốn đã bị mù một mắt từ nhỏ) khi ông rào vườn cà phê và bị dây kẽm gai bắn vào mặt, mù luôn cả hai mắt. Khi ấy, người dân xã Krông Jing quen với hình ảnh đôi vợ chồng người Êđê già thường dắt nhau đi khắp nơi: ông bị mù nhưng biết chữ, nói tiếng phổ thông rành mạch, bà mắt sáng nhưng không biết đọc. Hai ông bà như hai mảnh ghép, bù đắp và nương tựa vào nhau sống qua ngày. Gánh nặng kinh tế với những lo toan cơm áo, gạo tiền đè nặng lên đôi vai bà H’Yuôn khiến sức lực bà ngày càng cạn kiệt, bệnh tật triền miên. Cuộc sống quá cực khổ, người con rể bỏ đi, cô con gái H’Ngâu Niê và hai đứa cháu nhỏ về ở cùng ông bà.

Thế nhưng, những con người không may mắn ấy lại liên tiếp phải đối diện với sự nghiệt ngã của số phận khi bệnh tật ập xuống: Năm 2014 bà bị bệnh thận, gầy yếu, không thể lao động; năm 2015, chị H’Ngâu Niê - trụ cột của cả gia đình bị chẩn đoán suy tim chuyển tuyến Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng do không có tiền điều trị nên phải xin về nhà. Đau đớn hơn, do không có tiền điều trị, bệnh tình của bà H’Yuôn ngày càng nặng, năm 2017, gia đình phải bán đi tài sản quý giá và duy nhất là 4 sào ruộng với giá 60 triệu đồng để đưa bà đi Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận. Nhà nghèo, không có thu nhập nên sau 4 lần chạy thận thì hết sạch tiền, bà H’Yuôn phải rời bệnh viện với chẩn đoán suy thận mãn tính giai đoạn cuối - sự sống tính bằng ngày, cả gia đình càng lâm vào hoàn cảnh khốn đốn. Chị H’Ngâu Niê kể: “Mỗi ngày tôi đi làm thuê, làm mướn, ai thuê gì làm nấy: chặt mía, nhổ sắn, cuốc cỏ, làm ruộng... được 120.000 đồng, không đủ mua thuốc men, ăn uống cho 5 người. Ngày đi làm thì cả nhà còn có tiền mua gạo; những khi không có việc thì không có gì để ăn”.

Sống trong một gia đình có 3 người bị bệnh tật, hai đứa trẻ - con chị H’Ngâu cũng sống lay lắt, đứa con trai lớn phải bỏ học giữa chừng, cô con gái năm nay 10 tuổi cũng đứng trước nguy cơ bỏ học vì không có tiền. Ngày tựu trường, vì con gái quá ham học, dù được miễn học phí nhưng chị H’Ngâu phải dắt con đến xin nhà trường tạm lùi các khoản đóng góp, tạo điều kiện cho cho con vào lớp đúng lịch học.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều năm qua, bà H’Yuôn Niê đã làm hồ sơ thủ tục xin hưởng chế độ chính sách cho người có công với cách mạng nhưng chưa được giải quyết. Tháng 4-2018 vừa qua, bà đã được trao tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (theo Quyết định 1921 ngày 15-9-2017 của Chủ tịch nước).

Chị Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Krông Jing, cho biết: Hoàn cảnh đáng thương của gia đình bà H’Yuôn rất cần sự sẻ chia giúp đỡ của cộng đồng, sự quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương giúp bà H’Yuôn sớm được hưởng chế độ chính sách theo quy định.

 Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.