Multimedia Đọc Báo in

Nơm nớp sống bên "miệng hà bá"

08:38, 13/08/2018
Hàng chục hộ dân ở thôn 4 (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) đang đối mặt với tình trạng bờ sông sạt lở làm mất đất sản xuất, đe dọa “nuốt” luôn cả nhà cửa.
 
Bờ sông Krông Bông đoạn qua thôn 4 (xã Hòa Phong) bị sạt lở.
Bờ sông Krông Bông đoạn qua thôn 4 (xã Hòa Phong) bị sạt lở.
Căn nhà của ông Huỳnh Tấn Lực (thôn 4, xã Hòa Phong) trước đây cách mép sông Krông Bông hơn 100 m, nhưng nay chỉ còn cách bờ sông chỉ khoảng 5 m. Ông Lực cho biết, từ năm 2015 bờ sông ở khu vực này bắt đầu sạt lở. Đến nay, do sạt lở đã “nuốt” mất của gia đình ông 1 sào đất sản xuất nông nghiệp và đang nhăm nhe “nuốt” luôn căn nhà. “Cứ mỗi khi mưa xuống, đêm nằm cứ giật mình thon thót vì sợ lũ về cuốn trôi mất đất, mất nhà. Làm lụng cả mấy chục năm mới dành dụm xây được căn nhà, nếu lũ lên sập mất thì chẳng biết sinh sống ra làm sao”, ông Lực lo lắng.
 
Không riêng gia đình ông Lực, ở trong khu vực này cũng có nhiều gia đình phải chịu chung tình cảnh này. Ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng thôn 4  cho biết, cả thôn có 118 hộ, 475 nhân khẩu, đời sống còn nhiều khó khăn; khu dân cư của thôn phân bố dọc theo tỉnh lộ 12, giáp sông Krông Bông. Mấy năm trở lại đây thiên tai liên tục, mỗi năm có vài trận lũ lớn gây xói lở mất đất sản xuất của người dân và lở vô khu dân cư. Tính đến nay đã có 34 hộ mất hơn 10 ha đất sản xuất, 5 căn nhà của người dân có nguy cơ bị sập. “Đời sống của bà con ở đây phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nay sạt lở đang dần “ăn mòn” đất sản xuất dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của bà con là sớm xây dựng một bờ kè kiên cố bảo vệ đất đai, tài sản, để yên tâm sinh sống và sản xuất”, ông Thành kiến nghị.
 
Căn nhà  của ông Huỳnh Tấn Lực  ở thôn 4   (xã Hòa Phong)  đối diện với nguy cơ  bị cuốn trôi do bờ sông Krông Bông sạt lở.
Căn nhà của ông Huỳnh Tấn Lực ở thôn 4 (xã Hòa Phong) đối diện với nguy cơ bị cuốn trôi do bờ sông Krông Bông sạt lở.

Ông Y Liệu Niê, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, khi xảy ra tình trạng sạt lở, địa phương đã huy động người dân đổ đất kè chống sạt lở, nhưng sau cơn bão số 12 thì tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ gây thiệt hại về hoa màu, nhà ở của người dân, hiện nay nhiều điểm sạt lở bờ sông Krông Bông cách Tỉnh lộ 12 không xa, nếu không được gia cố kịp thời, nguy cơ sạt lở gây chia cắt giao thông có thể xảy ra. Đầu năm 2018, tỉnh đã cấp kinh phí 800 triệu đồng cho địa phương đổ đất nắn lại dòng chảy, gia cố bờ sông với chiều dài 350 m, rộng 12 m. Tuy nhiên, theo ông Y Liệu Niê, việc gia cố bờ sông Krông Bông chỉ mang tính “tạm thời”, nếu xảy ra lũ lớn bờ sông sẽ bị sạt lở trở lại nên rất cần một bờ kè kiên cố để bà con yên tâm sinh sống, sản xuất. 

Theo UBND huyện Krông Bông, địa phương đã đề xuất với tỉnh đầu tư xây dựng 1 km bờ kè tại khu dân cư thôn 4, xã Hòa Phong nhằm ổn định mái bờ sông, tránh tác động của dòng chảy ảnh hưởng đến nhà ở của người dân với kinh phí để thực hiện công trình khoảng 28 tỷ đồng. Bà Phan Thị Thu Hiền, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho hay, dự án kè bờ sông đoạn đi quan thôn 4 xã, Hòa Phong là một trong 7 dự án di dời dân cư khẩn cấp do ảnh hưởng của thiên tai năm 2016, 2017 của tỉnh; UBND tỉnh đã có văn bản gửi Trung ương đề nghị hỗ trợ vốn để vốn đầu tư những dự án này. 
 
Vạn Tiếp

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.