Chiếu bóng một thời…
Cùng với sự phát triển của điện ảnh cả nước, hoạt động điện ảnh ở tỉnh ta được hình thành trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, ngành điện ảnh của tỉnh ta có nhiều cống hiến, giành nhiều thành tích trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Theo Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, mùa Xuân năm 1967, Bộ Chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên cử đội chiếu bóng đầu tiên đem phim ảnh cách mạng phục vụ nhân dân, chiến sĩ vùng căn cứ và vùng giải phóng phía Nam của tỉnh. Đội lập lán trại tại đồi Chư Dlông (đồi điện ảnh) bên suối Krông Bông, thuộc buôn Chăm Jú, H9 (nay là xã Cư Drăm, huyện Krông Bông). Đây là mốc thời gian quan trọng, đánh dấu sự hình thành ngành chiếu bóng của tỉnh. Tháng 10-1972, Đội chiếu bóng 16 ly được thành lập tại H2 (Buôn Hồ) do đồng chí Nguyễn Khoa Kỳ và đồng chí Nguyễn Đình Chiến phụ trách. Đến năm 1974, tỉnh đã có 3 đội chiếu bóng do các đồng chí Nguyễn Kim Tuấn, Đỗ Trung Cương, Lý Văn Mỳ, Vương Văn Phúc và Nông Xuân Thu đảm nhận.
Chương trình Dạ hội điện ảnh được tổ chức thường niên thu hút đông đảo người xem. |
Khi tiếng súng mở màn Chiến dịch tổng tiến công mùa Xuân 1975 ở Buôn Ma Thuột, các đơn vị chiếu bóng đã theo bước chân quân giải phóng, có mặt ở hầu khắp các buôn làng. Sau ngày thống nhất, điện ảnh Đắk Lắk chủ yếu là các đơn vị chiếu bóng lưu động và đây là những mũi xung kích hướng về cơ sở, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Đã có những tấm gương hy sinh trong khi làm nhiệm vụ như các liệt sỹ: Y Branh Niê, Lương Xuân Bắc, Nguyễn Bá Hoàng (Đội chiếu bóng số 10) và Đỗ Thịnh Trường (rạp Kim Đồng).
Là người gắn bó với ngành chiếu bóng hơn 30 năm, ông Phạm Xuân Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng chia sẻ, để đi đến điểm chiếu là cả quá trình gian nan, bởi giao thông ngày ấy còn cách trở, đội chiếu bóng lại chở toàn đồ nặng, cồng kềnh như: thùng đựng phim nhựa, máy chiếu phim, thùng đựng màn bạc, âm ly, loa phóng thanh… Phim lúc đó chủ yếu là dòng phim chiến tranh, lịch sử, những câu chuyện cảm động về tình yêu thời chiến... Đi nhiều và cảm nhận được sự khát khao hưởng thụ giá trị tinh thần của người dân, nên dù khó khăn gian khổ, những người trong đội chiếu bóng vẫn kiên trì, động viên nhau hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Sau giải phóng, việc chiếu phim được thực hiện liên tục, vừa phục vụ người dân, vừa làm công tác tuyên truyền.
Tuy nhiên, thời hoàng kim của phim màn ảnh rộng chỉ kéo dài khoảng hơn mười năm. Khi các phương tiện truyền thông ngày càng phát triển, người dân bắt đầu ít đến rạp hơn. Các đội chiếu phim lưu động vẫn tiếp tục bám trụ ở cơ sở, nhưng số lượng khán giả thưa dần… Thêm vào đó, với xu thế xã hội hóa, sự ra đời của các rạp chiếu phim do tư nhân đầu tư thì hoạt động chiếu bóng Nhà nước càng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Từ 4 rạp chiếu phim, hiện nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chỉ còn lại rạp Kim Đồng và rạp Hưng Đạo duy trì hoạt động, trong đó rạp Kim Đồng duy trì chủ yếu chiếu phim miễn phí phục vụ thiếu nhi trong dịp hè, ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần.
Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng cho biết, các rạp tư nhân ra đời đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí của một bộ phận công chúng, đặc biệt là lớp trẻ, nhưng rõ ràng khâu phổ biến phim là rất khó. Bởi lẽ, các rạp chiếu phim của tư nhân chỉ tập trung chủ yếu vào phim giải trí, còn những phim do Nhà nước đầu tư về đề tài cách mạng, truyền thống thì không vào được các điểm chiếu này. Để đáp ứng ngày càng cao về nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ở trung tâm thành phố, đồng thời giảm thiểu những thiệt thòi của người dân ở vùng sâu vùng xa, ngành chiếu bóng đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng cụm rạp khu vực Tây Nguyên (giai đoạn 2016-2019) với quy mô 1.000 ghế ngồi, có 2-6 phòng chiều được trang bị công nghệ 3D, 4D. Giai đoạn 2021-2023, hoàn thành cải tạo nâng cấp rạp Hưng Đạo.
Bên cạnh Nhà nước đầu tư, nâng cao hạ tầng, ngành chiếu bóng cũng đang tích cực đổi mới cho phù hợp trong đó công tác chiếu bóng lưu động tiếp tục được chú trọng, đi vào từng chuyên đề, ở từng địa phương, hướng vào từng đối tượng cụ thể. Ngoài việc chiếu phim phục vụ nhu cầu giải trí của một bộ phận công chúng, ngành chiếu bóng tiếp tục tổ chức tốt các đợt phim, tuần phim tuyên truyền kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, chiếu phim phục vụ các cháu thiếu nhi vào dịp hè…
9 tháng năm 2018, tuyến đội chiếu bóng lưu động thực hiện 236 buổi chiếu, thu hút trên khoảng 60 nghìn khán giả, trong đó Chiến dịch mùa hè xanh tổ chức được 40 suất chiếu, thu hút 10 nghìn khán giả; đội chiếu bóng số 1 chiếu phục vụ tuyến biên giới với 129 buổi chiếu, thu hút gần 27 nghìn khán giả; đội chiếu bóng số 2 chiếu phục vụ nhu cầu giải trí của người dân các huyện trong tỉnh với 107 buổi chiếu, thu hút trên 23 nghìn khán giả. Tuyến rạp phục vụ 225 suất chiếu, thu hút gần 11 nghìn lượt xem, trong đó, rạp Hưng Đạo phục vụ 191 suất chiếu, thu hút 6.850 lượt người xem; rạp Kim Đồng thực hiện 34 suất chiếu phim phục vụ thiếu nhi dịp hè thu hút gần 3.600 lượt người xem. |
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc