Giúp nạn nhân da cam vơi bớt nỗi đau…
So với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Buôn Đôn không phải là địa phương có nhiều nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), nhưng số nạn nhân nặng lại chiếm phần lớn.
Toàn huyện hiện có 31 NNCĐDC, trong đó bị nhiễm trực tiếp là 18 nạn nhân, gián tiếp 13 nạn nhân. Cuộc sống của họ hầu hết đều khó khăn do bệnh tật, sức khỏe suy giảm, không thể lao động sản xuất, sống phụ thuộc vào người thân. Những năm qua, bằng những việc làm thiết thực, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Buôn Đôn đã tích cực hỗ trợ các nạn nhân da cam, giúp họ tìm thấy niềm vui và động lực trong cuộc sống.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Sỹ Ghi (68 tuổi, ở buôn Ko Đung B, xã Ea Nuôl) nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam khi tham gia chiến đấu tại chiến trường Đường 9 Nam Lào. Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Trần Thị Lừng (63 tuổi, vợ ông Ghi) kể: Trở về từ sau cuộc chiến, dù cơ thể lành lặn nhưng chất độc hóa học ngấm sâu vào cơ thể khiến chồng bà thường xuyên đau ốm, bệnh tật, thần kinh không ổn định. Nhưng đau đớn nhất là đứa con trai đầu mới lọt lòng đã bị thiểu năng trí tuệ do ảnh hưởng từ bố. Đến nay dù đã 43 tuổi nhưng cả ngày chỉ ê a như trẻ lên 3, ánh mắt vô hồn ngơ ngác, mọi sinh hoạt đều do người thân chăm lo.
Cuộc sống của cả nhà chỉ trông chờ vào 3 sào điều nên rất khó khăn, cả gia đình chỉ ở trong ngôi nhà xây xập xệ chừng 20 m2. Thấu hiểu với khó khăn đó, ngoài giải quyết trợ cấp hàng tháng cho hai cha con ông Ghi, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Buôn Đôn đã vận động kinh phí được 100 triệu đồng xây tặng gia đình ông căn nhà khang trang 80 m2.
Bà Trần Thị Lừng chăm sóc người con trai Trần Quang Tú bị nhiễm chất độc da cam . |
Cùng chung nỗi đau khi có hai thế hệ nhiễm chất độc da cam, gia đình ông Đặng Văn Quý (66 tuổi, ở thôn 15, xã Tân Hòa) cũng phải đối diện nhiều khó khăn trong cuộc sống đời thường. Bản thân ông Quý đau ốm liên miên, không thể lao động sản xuất, đứa con gái thứ 3 sinh ra cũng bị thiểu năng trí tuệ. Vì thế, có được ngôi nhà mới tươm tất những tưởng là giấc mơ thì nay đã trở thành hiện thực khiến ông Quý không nén được niềm vui: “Vừa qua, nhờ sự kêu gọi của Hội NNCĐDC/dioxin, gia đình chúng tôi được hỗ trợ xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội. Nay có chỗ ở sạch đẹp, chúng tôi không còn lo lắng chuyện nắng mưa nữa”.
Gia đình ông Trần Sỹ Ghi ở buôn Ko Đung B, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn trong ngôi nhà mới khang trang. |
Hội NNCĐDC/dioxin huyện Buôn Đôn được thành lập từ năm 2011, bên cạnh hoạt động xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội luôn quan tâm hỗ trợ kịp thời về vật chất lẫn tinh thần cho các nạn nhân da cam. Ông Lê Văn Cẩn, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Buôn Đôn trăn trở: “Toàn huyện mới có 2/7 xã có tổ chức hội nên thời gian tới chúng tôi sẽ củng cố kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh nhiều hoạt động kêu gọi hơn để Hội thực sự là cầu nối giữa nạn nhân và cộng đồng xã hội. Huyện còn nhiều nạn nhân chất độc da cam chưa nhận được hỗ trợ của Nhà nước do thiếu các loại giấy tờ, khó khăn trong khâu chứng nhận nên rất mong các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện giúp họ bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để sớm được hưởng chế độ chính sách”.
Từ năm 2013 đến nay, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Buôn Đôn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện, các tổ chức hội, đoàn thể, đơn vị quân đội... đã hỗ trợ xây và sửa chữa 5 căn nhà tặng NNCĐDC với tổng kinh phí 261 triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn tặng xe lăn cho các nạn nhân, tổ chức thăm hỏi tặng quà các dịp lễ, Tết, khi ốm đau, khó khăn đột xuất với số tiền gần 238 triệu đồng. |
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc