Multimedia Đọc Báo in

Những bước chân không mỏi

08:57, 24/10/2018
Từng đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Mùi 2, nay là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Né (huyện Krông Búk), chị Hoàng Thị Niệm (SN 1983, dân tộc Tày) đã có những đóng góp không nhỏ cho phong trào, hoạt động của Hội ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.

Năm 2001, chị Niệm lấy chồng và chuyển về sinh sống tại buôn Mùi 2 (xã Cư Né). Sau 1 năm, chị đã thành thạo ngôn ngữ và chữ viết của người Êđê. Với sự nhiệt tình và tâm huyết của tuổi trẻ, năm 2002 chị Niệm được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Mùi 2. Là người năng động, chị luôn cố gắng học hỏi, sáng tạo trong cách làm, xây dựng nhiều mô hình phù hợp với thực tiễn, tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo các tầng lớp hội viên, phụ nữ tham gia.

Chị Hoàng Thị Niệm (bìa phải) gặp gỡ, trao đổi với các hội viên tại buôn Mùi 2.
Chị Hoàng Thị Niệm (bìa phải) gặp gỡ, trao đổi với các hội viên tại buôn Mùi 2.

Buôn Mùi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên phần lớn phụ nữ trong buôn chỉ lo nghĩ đến việc làm ăn, chẳng mấy mặn mà tham gia sinh hoạt Hội. Chị Niệm đã đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động cũng như phổ biến cho chị em hiểu rõ những lợi ích khi tham gia Hội. Bên cạnh đó, chị còn phối hợp với các ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực cho hội viên như hỗ trợ vay vốn, tư vấn sức khỏe sinh sản, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh, nuôi dạy con cái… Từ đó, chị đã tạo được niềm tin của chị em, số phụ nữ tham gia vào Hội ngày càng tăng. Đến nay, chi hội phụ nữ buôn Mùi 2 có 95 hội viên tham gia sinh hoạt (đạt 90%, tăng gấp 3 lần so với năm 2002).

Nhận thấy trong chi hội có nhiều hội viên mù chữ, chị Niệm đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện mở các lớp xóa mù chữ cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở độ tuổi 30 - 40. Chị cũng là một tình nguyện viên tích cực trực tiếp dạy chữ cho hội viên. Sau 1 tháng học, hầu hết các chị em đều đã biết hết mặt chữ và tự viết được tên mình.

16 năm làm công tác Hội Phụ nữ với những hoạt động thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chị Hoàng Thị Niệm đã nhiều lần được các cấp khen thưởng, được Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen Phụ nữ xuất sắc cấp tỉnh năm 2015.

Trong phong trào phát triển kinh tế, chị chú ý khuyến khích hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để hỗ trợ hội viên có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, chị đã đứng ra thành lập quỹ “Tương trợ lẫn nhau”, với 30 chị tham gia. Theo đó, mỗi người đóng từ 100 - 200.000 đồng/năm để cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi trong vòng 2 năm. Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên đã sử dụng có hiệu quả và vươn lên thoát nghèo.

Chị Hoàng Thị Niệm giới thiệu những sản phẩm thổ cẩm do mình dệt.
Chị Hoàng Thị Niệm giới thiệu những sản phẩm thổ cẩm do mình dệt.

Năm 2011, chị Niệm được tín nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Né. Đảm nhiệm vai trò mới, chị nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ qua những việc làm cụ thể phù hợp với tình hình thực tế. Trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm của người Êđê bị mai một, chị đã tự mày mò học cách dệt, bởi theo chị muốn thuyết phục, động viên chị em nghe theo thì mình phải làm gương trước. Sau khi đã biết dệt thành thạo, chị đứng ra vận động, tập hợp những chị em biết dệt thổ cẩm để thành lập “Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 1, 2” nhằm khôi phục, phát triển nghề truyền thống của địa phương, đồng thời giải quyết việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Trước tình trạng trẻ vị thành niên, chưa đến tuổi kết hôn đã về ở với nhau, sinh con sớm gây ra nhiều hệ lụy, đầu năm 2017, chị Niệm đã khởi xướng thành lập mô hình “Phụ nữ nói không với tảo hôn”. Mô hình có 37 thành viên đều là những phụ nữ trong cuộc, từng có những trải nghiệm thấm thía về kết hôn sớm nên khi đến các gia đình tuyên truyền về tác hại của tảo hôn có hiệu quả rõ rệt, giúp kéo giảm đáng kể tỷ lệ tảo hôn ở địa phương.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, vừa qua chị cùng với Ban tự quản buôn Mùi 2 vận động người dân đóng góp hơn 160 triệu đồng để nâng cấp 800 m đường nội buôn giúp việc đi lại được thuận lợi hơn...

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.