Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ nặng lòng với văn hóa truyền thống

15:06, 04/11/2018

Từ lâu, Amí Thin (78 tuổi, tên thật là H’Lil Mlô) ở buôn Tring 2, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ được nhiều người biết đến bởi bà không chỉ là người nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm mà còn sở hữu những "báu vật” vô giá của đồng bào Êđê, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc mình...

Cứ đều đặn sáng sớm, bên mái nhà dài, Amí Thin say sưa ngồi dệt thổ cẩm. Đôi tay hằn sâu vết thời gian thoăn thoắt luồn chỉ qua khung dệt đơn sơ... Bà kể, lúc còn nhỏ, bà đã học nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ mẹ. Khi trở thành thiếu nữ, bà đã dệt thành thạo túi, váy, áo. Chỉ vào khung dệt vẫn còn dang dở, Amí Thin nói: “Già rồi, nên hơn nửa tháng mà vẫn chưa dệt xong cái túi. Nếu hồi trẻ chỉ cần vài ngày là xong...”.

Dù tuổi đã cao nhưng Amí Thin vẫn giữ thói quen dệt thổ cẩm hằng ngày.
Dù tuổi đã cao nhưng Amí Thin vẫn giữ thói quen dệt thổ cẩm hằng ngày.

Theo lời Amí Thin, trước đây, phụ nữ nhà nào cũng đều biết dệt thổ cẩm, nhưng nay ít ai muốn bắt tay làm công việc cần sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo này. Vì thế, để duy trì được nghề dệt truyền thống và giúp cho phụ nữ trong buôn kiếm thêm thu nhập, bà đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm vào năm 2002 gồm 35 thành viên. “Ngày xưa ông bà truyền nghề cho con cháu, nay mình truyền nghề cho các cô gái trẻ, làm sao đừng để mai một cái nghề. Tổ hợp tác chủ yếu mở các lớp dạy nghề, ai cần học thì mình dạy thôi”, Amí Thin chia sẻ.

Không chỉ là người nặng lòng với nghề dệt truyền thống, Amí Thin còn lưu giữ những “báu vật” của tổ tiên truyền lại với tuổi đời hàng trăm năm, đó là ghế K’pan, ghế J'hưng, hàng chục ché cổ, bộ cồng chiêng... Theo bà, sự giàu có của mỗi gia đình, dòng họ được thể hiện bằng những chiếc cồng, chiêng và ché cổ. Nó được coi là những tín vật của thần linh, là tài sản vô giá nên không bao giờ bà nghĩ đến chuyện bán những cổ vật này. Amí Thin nói: “Nếu như cồng chiêng là linh hồn trong các lễ hội, là vật linh thiêng có giá trị nhất của mỗi gia đình, thì ché cổ được ví là nơi trú ngụ của thần linh để che chở, phù hộ cho các gia đình, dòng họ". 

Amí Thin bên những chiếc ché cổ được bà gìn giữ cẩn thận.
Amí Thin bên những chiếc ché cổ được bà gìn giữ cẩn thận.

Bà cho biết, việc thờ cúng các “báu vật” trên cũng không được sơ suất. Cứ khoảng 2 năm một lần, gia chủ sẽ cúng ghế K’pan, J'hưng để cầu chúng sống với gia đình vui khỏe, bảo hộ cho gia chủ khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Sau đó muộn nhất là một tháng, phải ủ rượu cần vào trong ché cổ, không được để bình trống, nếu không thần linh sẽ nổi giận. Khi nào trong dòng họ có đám cưới, ma chay hay trong buôn có lễ hội lớn, Amí Thin lại mang cồng chiêng, ché cổ... ra để dùng. Bà coi việc đưa những đồ vật quý giá của mình ra cho dân làng cùng sử dụng như một cách để buôn làng chung nhau hưởng phúc.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.