Multimedia Đọc Báo in

Thông điệp ý nghĩa từ Hội thi tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội

08:27, 19/11/2018

Gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa trong việc phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội đối với bản thân đoàn viên thanh niên, gia đình và cộng đồng, từng bước giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật là mục đích của Hội thi sân khấu hóa tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội do Tỉnh Đoàn tổ chức vừa qua.

Tham gia hội thi có 4 đội thi đến từ Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên và Đoàn Khối các cơ quan tỉnh. Qua các phần thi: kiến thức, tiểu phẩm tuyên truyền và xử lý tình huống, có thể thấy, các thí sinh đều có sự chuẩn bị rất chu đáo, dành nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc thi và có sự phối hợp ăn ý để mang đến cho hội thi không khí vô cùng náo nhiệt, gay cấn và hấp dẫn.

Là hoạt động được tổ chức thường niên nhưng hội thi năm nay gây ấn tượng với thí sinh cũng như khán giả bởi sự đổi mới nội dung, cách thức tham gia. Ngay ở phần thi đầu tiên về kiến thức, thay vì trả lời tại chỗ bằng cách đưa đáp án có sẵn, Ban tổ chức đã bố trí 4 bạn Cheerleader tương ứng với 4 đáp án A, B, C, D. Nhiệm vụ của mỗi đội thi là sau khi nghe xong câu hỏi, nhanh chóng tìm ra đáp án đúng và lập tức cử 1 thành viên trong nhóm chạy lên sân khấu và đứng vào phía sau bạn Cheerleader tương ứng với đáp án mà mình đã chọn. Với mỗi câu hỏi được đưa ra, Cheerleader có thể di chuyển, vũ đạo cơ bản trên sân khấu và yêu cầu các đội làm theo. Nếu các đội cùng chọn một đáp án thì Ban tổ chức có thể dựa vào thời gian di chuyển đến sớm nhất để tính điểm cộng.

Ban tổ chức trao giải cho các đội tham gia hội thi.
Ban tổ chức trao giải cho các đội tham gia hội thi.

Từ những câu chuyện cụ thể, mang tính thực tiễn về các chủ đề như ma túy, mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, mua bán người, mê tín dị đoan... qua phần thi xử lý tình huống, các đội không chỉ thể hiện được kiến thức về pháp luật mà còn đưa ra được cách giải quyết hợp lý, hợp tình. Bạn Phạm Thị Phương Lâm (Khoa Y Dược, Trường Đại học Tây Nguyên) cho biết: “Mỗi tình huống do Ban tổ chức đưa ra đều là những câu chuyện gắn liền với môi trường học đường của chúng em. Từ hội thi, em đã được trang bị thêm nhiều kiến thức, thông tin bổ ích về phòng chống tội phạm cũng như nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong việc lên án, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội”.

Với sự chuẩn bị chu đáo, dàn dựng công phu cùng với lối diễn xuất linh hoạt, chủ động trên sân khấu của những diễn viên không chuyên, phần thi tiểu phẩm đã thực sự để lại nhiều cảm xúc tại hội thi năm nay. Những câu chuyện, sự việc diễn ra trong cuộc sống hằng ngày không chỉ gây ấn tượng khi được các đội đưa vào các tình tiết tạo tiếng cười mà thông qua đó còn truyền tải những thông điệp hết sức ý nghĩa. Là tiết mục được Hội đồng giám khảo đánh giá cao, tiểu phẩm “Trở về” của Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk được xây dựng dựa trên thực tế cuộc sống hiện nay, khi một bộ phận thanh niên do thiếu bản lĩnh, nhận thức còn thấp nên bị tác động bởi mặt tiêu cực của mạng Internet, chạy theo lối sống thực dụng, sa vào các tệ nạn xã hội và vướng vòng lao lý. Vở kịch đã đưa người xem trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ đó tuyên truyền sâu rộng về nghĩa vụ và trách nhiệm của tuổi trẻ nói riêng và cả cộng đồng nói chung trong việc phòng, chống các tệ nạn xã hội. 

Tiểu phẩm
Tiểu phẩm "Trở về" của Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.

Chỉ diễn ra trong một buổi  nhưng hội thi vẫn có sức hấp dẫn khi thu hút hơn 500 đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên tham dự. “Tin tưởng rằng, sau hội thi, mỗi đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên sẽ là một tuyên truyền viên tích cực phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Ngọc Hoàng chia sẻ.

Không chỉ cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên cũng như cộng đồng đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh, hội thi còn nhấn mạnh được vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ tổ chức Đoàn trong việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ chung bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Mai Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.