Multimedia Đọc Báo in

Chia sẻ yêu thương với trẻ khuyết tật

10:05, 26/12/2018

181 em đang được chăm sóc, dạy dỗ tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển – Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) đều là những học sinh bị khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ và tự kỷ. Để bù đắp phần nào sự thiệt thòi đó và giúp các em hòa nhập cộng đồng, thầy cô giáo Trung tâm và các mạnh thường quân luôn dành tình yêu thương, chăm lo, hỗ trợ các em.

Cũng như mọi năm, kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật (3-12) năm nay, Trung tâm đã tổ chức hoạt động văn nghệ, vui chơi, khen thưởng, tặng quà cho học sinh và các giáo viên bị khuyết tật. Sau chương trình văn nghệ, tặng quà, khen thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong cuộc thi vở sạch chữ đẹp, “Bông hoa chăm ngoan”, các em được hòa mình vào các trò chơi gồm: bóc vỏ trứng cút, vắt cam, đi chợ... Với học sinh bình thường, những trò chơi này dường như rất đơn giản, nhưng đối với học sinh khuyết tật là cả một thử thách bởi cần có sự khéo léo, tỉ mỉ, biết làm việc nhóm và là cơ hội để các em rèn luyện ký hiệu ngôn ngữ.

Giáo viên Trung tâm tự nguyện đóng góp kinh phí mua áo ấm và khăn ấm tặng học sinh khuyết tật  có hoàn cảnh khó khăn.
Giáo viên Trung tâm tự nguyện đóng góp kinh phí mua áo ấm và khăn ấm tặng học sinh khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng mang đến niềm vui, sự sẻ chia cho các em, nhóm thiện nguyện Tự Tâm (TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã đóng góp kinh phí để tặng quà và tổ chức nấu bữa ăn trưa miễn phí cho tất cả học sinh của Trung tâm nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, thành viên của nhóm cho biết, hơn 20 thành viên trong nhóm đều là những tiểu thương buôn bán trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Với mong muốn sẻ chia khó khăn cho người nghèo, học sinh khuyết tật, các tiểu thương đã tự nguyện thành lập nhóm, đóng góp, huy động kinh phí tổ chức nấu ăn miễn phí và tặng quà cho các cháu.

Cô Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Công tác nuôi dạy học sinh khuyết tật chuyên biệt tại Trung tâm không chỉ hướng đến mục tiêu giúp các em những kiến thức cơ bản, biết tự chăm sóc bản thân mà còn trang bị kỹ năng sống cần thiết để các em có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, ngoài giờ lên lớp, Trung tâm còn chú trọng tổ chức cho các em được vui chơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa. Những hoạt động thiết thực này luôn nhận được sự đồng hành, sẻ chia của cán bộ, giáo viên Trung tâm và các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh.

 

“Chúng em mong sao những hoạt động vui và bổ ích như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng hơn trong học tập, rèn luyện để không phụ lòng bố mẹ, thầy cô”.

 

Em Nguyễn Văn Trung Đức, học sinh khuyết tật lớp 5A2 bày tỏ

 

Chị Nguyễn Thị Nguyên ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột có 2 con bị khiếm thính hiện đang theo học tại Trung tâm trải lòng: “Con bị khuyết tật, nhút nhát hơn các bạn đồng trang lứa nên trước đây tôi rất bao bọc, chăm lo từng tí vì sợ các cháu bị tổn thương. Từ ngày vào học tại Trung tâm, thường xuyên được tham gia hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn nghệ và trò chơi tập thể đã giúp các con rèn luyện kỹ năng sống, tự tin, hoạt bát hơn trước nhiều, biết quan tâm đến mọi người, có ý thức thi đua, hòa nhập cộng đồng”.

Công tác ở Trung tâm đã 10 năm, giảng dạy nhiều lớp với nhiều dạng tật khác nhau, cô Lê Thị Thanh thấu hiểu những khó khăn, mặc cảm mà các em và gia đình phải đối mặt. Không chỉ dành nhiều tâm huyết trong công tác dạy học, chăm sóc trẻ, mới đây, cô Thanh và một giáo viên trong trường đã vận động thêm một người bạn tự đóng góp kinh phí mua tặng học sinh khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn 60 chiếc áo ấm và 100 chiếc khăn ấm. “Món quà tuy nhỏ nhưng đó là tấm lòng sẻ chia, yêu thương dành cho trẻ khuyết tật với mong muốn các em sẽ thêm ấm lòng, tự tin và cố gắng hơn trong học tập, rèn luyện”, cô Thanh bộc bạch.

Giáo viên Trung tâm hướng dẫn cho học sinh khuyết tật bóc vỏ trứng cút.
Giáo viên Trung tâm hướng dẫn cho học sinh khuyết tật bóc vỏ trứng cút.

Điều đáng nói, sự quan tâm, chăm lo cho học sinh khuyết tật không chỉ được Ban Giám đốc, các thầy cô giáo Trung tâm thực hiện nhân dịp 3-12 hằng năm mà đã được tổ chức thường xuyên. Vào ngày khai giảng năm học mới, lễ, Tết... Trung tâm đều vận động các cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân tặng học bổng, sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, bánh kẹo cho học sinh. Ban Giám đốc Trung tâm còn kết nối với Khu vui chơi Tini trong Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột và Công viên nước Đắk Lắk cho các em đến vui chơi miễn phí.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.