"Nóng" tình trạng sinh con thứ 3 ở xã Đắk Nuê
Năm 2018, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại xã Đắk Nuê (huyện Lắk) tăng đột biến và ở mức cao nhất toàn huyện. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho các gia đình đông con mà còn kéo theo nhiều hệ lụy.
Trần Thị Loan (thôn Yên Thành 1) sinh năm 1991 nhưng đến nay đã là mẹ của 3 đứa con. Năm 2010 Loan sinh con gái đầu lòng, đến năm 2016 tiếp tục sinh một bé gái. Do gia đình còn nặng quan niệm phải có người nối dõi nên năm 2018 Loan tiếp tục sinh thêm con thứ 3. Được biết, chồng Loan chạy xe dịch vụ, còn Loan ở nhà mở quán ăn sáng. Do các con còn nhỏ nên mỗi buổi sáng, nếu muốn phục vụ kịp cho khách, Loan thường để 2 đứa bé tự chơi với nhau, thậm chí lúc thằng cu (đứa con thứ 3) quấy quá đành nhờ khách bế giúp. Loan giãi bày: “Vẫn biết sinh nhiều con là vất vả, nhưng gia đình muốn “có nếp có tẻ” nên sinh thêm con. May mắn đứa thứ 3 là thằng cu, chứ nếu là con gái thì em vẫn tiếp tục đẻ nữa.”
Cán bộ chuyên trách dân số xã Đắk Nuê tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho người dân tại buôn Dhăm 1A. |
Cũng vì quan niệm "nhà phải có trai có gái" nên dù đã có 2 con trai, vợ chồng chị H’Doăn Ayun (buôn Dhăm 1A) ngưng sử dụng biện pháp tránh thai để sinh con thứ 3. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng chị phải làm thuê cuốc mướn theo thời vụ, nay đây mai đó, mình chị chăm sóc con cái. Lẽ ra, nếu chỉ dừng lại ở 2 con thì giờ đây chị nhàn nhã hơn, nhưng cuối năm 2018 chị lại sinh thêm một bé gái. Thêm một thành viên đồng nghĩa với khó khăn chồng chất, do đó mới ngoài ba mươi mà chị trông già đi nhiều so với tuổi.
Chị H’Doăn tâm sự, do áp lực từ dòng họ phải đẻ cho được con gái nên chị buộc phải sinh con thứ 3, chứ bản thân chị cũng biết rõ, thêm con là vất vả. Giờ nuôi con nhỏ, mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày của 5 thành viên trong gia đình chỉ mình chồng chị cáng đáng...
Còn trường hợp chị H’Non Pang Trông (buôn Kdiê I), mặc dù nhà đã đủ trai đủ gái, nhưng do chồng chị có tâm lý “đông con hơn giòn của” nên chị phải sinh con theo ý muốn của chồng. Nhà chỉ có 5 sào đất trồng cà phê, lại ở khu vực đất cằn cỗi, nên năm nào được mùa thì may ra thu về được 1 tấn cà phê nhân, năm mất mùa chỉ được 6 – 7 tạ. Do vậy, mọi chi tiêu trong gia đình trông chờ vào số tiền làm thuê ít ỏi của hai vợ chồng. Nay chị sinh đẻ, phải ở nhà trông con nhỏ, nguồn thu nhập của gia đình vì thế giảm đi một nửa. Thấm nỗi vất vả của gia đình đông con, chị H’Non cho biết, sau lần sinh thứ 3 này chị sẽ đến trung tâm y tế để thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Đắk Nuê tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho chị H’Non Pang Trông (buôn Kdiê I). |
Theo thống kê của Trạm Y tế xã Đắk Nuê, năm 2018 trên địa bàn xã có hơn 1.130 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) đã có chồng, có 134 cháu bé được sinh ra, trong đó con thứ 3 trở lên là 47 cháu. Cũng trong năm 2018, huyện Lắk có 4 xã, thị trấn có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng, trong đó Đắk Nuê tăng cao nhất huyện (tăng gần 15% so với năm 2017). Tỷ suất sinh trên địa bàn xã là hơn 20,7‰, tăng 1,78‰ so với năm 2017.
Đây chỉ là con số báo cáo, thực tế sẽ có nhiều trường hợp sinh con thứ 3 trở lên cao hơn. Bởi ở một số thôn, buôn cách xa trung tâm xã như buôn Đắk Sar, một số gia đình sinh con nhưng cộng tác viên dân số tại buôn không nắm được. Chị Ngô Thị Cần, cán bộ chuyên trách dân số xã Đắk Nuê cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng cao ở xã Đắk Nuê trong năm vừa qua. Trong đó phải kể đến các trường hợp gia đình sinh con một bề nên muốn thêm con, với hy vọng có trai có gái, một phần còn nặng tâm lý “đông con hơn giòn của”. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng công tác tuyên truyền của các cộng tác viên dân số thôn, buôn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như buôn Đắk Sar cách trung tâm xã hơn 20 km nên mỗi lần có chương trình về kế hoạch hóa gia đình, số lượng chị em tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày ở xã Đắk Nuê đã tác động rất lớn đến chất lượng dân số, trong đó khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ của các gia đình, đặc biệt là hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó còn gây áp lực rất lớn đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại địa phương, nhất là việc sắp xếp trường học cho trẻ trong độ tuổi mầm non. Chưa kể, đông con, kinh tế khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để sản xuất, làm nhà ở tại xã Đắk Nuê nói riêng, huyện Lắk nói chung.
Theo thống kê, hiện xã Đắk Nuê có 14 cộng tác viên dân số tại 12 thôn, buôn trên địa bàn. Trong năm, cộng tác viên và cán bộ chuyên trách đã vận động được 424 trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai như: đặt vòng, uống thuốc, cấy, tiêm, dùng bao cao su và đình sản. Bên cạnh đó, vẫn còn 287 trường hợp chưa dùng biện pháp tránh thai nào. |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc