Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống bạo lực gia đình: Hãy mạnh dạn lên tiếng! (Kỳ 1)

10:24, 03/01/2019

 Kỳ 1: Những nỗi đau khó gọi tên

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một vấn nạn xã hội, thường để lại những hậu quả, di chứng rất lớn về mặt tâm lý, sức khỏe của con người và đời sống xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các quyền và sự phát triển toàn diện của con người, đặc biệt là với trẻ em và phụ nữ.

Nhiều dạng bạo lực

Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Những tổn hại ấy không còn là chuyện riêng của mỗi cá nhân, gia đình mà trở thành vấn nạn của xã hội. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ của UBND tỉnh, giai đoạn 2008 – 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 9.449 vụ việc bạo lực gia đình; trong đó, hơn 70% nạn nhân là phụ nữ, với 29,8% vụ việc bạo lực tinh thần; 48,2% vụ bạo lực thân thể; 11,48% vụ bạo lực tình dục và 9,7% vụ bạo lực kinh tế. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 245 vụ BLGĐ.

Các thành viên là nam giới của Câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững" (thôn Quyết Thắng 2, xã Ea Tyh, huyện Ea Kar) chia sẻ về việc gìn giữ gia đình đầm ấm.
Các thành viên là nam giới của Câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững" (thôn Quyết Thắng 2, xã Ea Tyh, huyện Ea Kar) chia sẻ về việc gìn giữ gia đình đầm ấm.

Có thể nói, BLGĐ gây tác động tiêu cực không chỉ với mỗi thành viên gia đình mà còn với cả dòng họ, cộng đồng. Đơn cử như vụ án mạng bố vợ tước đi mạng sống của con rể vì mâu thuẫn gia đình xảy ra tại thôn 15, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar vào cuối năm 2016. Theo cáo trạng, bị cáo  Nguyễn Đình Thơ (SN 1976) có con gái là chị Nguyễn Thị Hà (SN 1999) sống chung với anh Lê Văn Sơn. Vợ chồng chị Hà đã có một con nhỏ nhưng hay cãi vã, xô xát, anh Sơn hay đánh đập vợ. Thương con gái, lúc sẵn có hơi men, ông Thơ đã đến tìm Sơn nói chuyện, trong lúc không kìm được cơn nóng, ông đã dùng con dao bầu đâm chết con rể. Ông Thơ bị kết án 16 năm tù giam vì tội giết người. Đây là một câu chuyện hết sức đau lòng, hệ lụy từ việc chị Hà lập gia đình sớm, chưa đủ ý thức để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình; ông Sơn vì men rượu mà không làm chủ được hành vi dẫn đến vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý. Và người gánh chịu nỗi đau lớn nhất chính là người phụ nữ trong gia đình, con mất bố, vợ mất chồng…

 

“Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ, mô hình phòng chống BLGĐ trong mỗi cộng đồng dân cư và người chủ nhiệm là người uy tín, có tiếng nói để tuyên truyền phòng, chống BLGĐ hiệu quả”.

 
 
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Hay như vụ án H’Khe Ksơr (xã Cư Prao, huyện M’Đrắk) phạm tội giết người (năm 2011), lại giết chính con đẻ của mình cũng khiến dư luận đau lòng. Vợ chồng H’Khe Ksơr đã có 3 mặt con, nhưng người chồng hay rượu chè bê tha, không lo làm ăn nên H’Khe bực tức nảy sinh ý định giải tỏa bằng cái chết. Trong lúc quẫn trí H’Khe đã uống thuốc diệt cỏ và ép 2 con nhỏ cùng uống. Hậu quả là 2 cháu nhỏ tử vong, H’Khe được đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết nhưng phải chịu án tù chung thân, không chỉ vậy còn chịu bản án lương tâm dằn vặt suốt đời vì tội giết con... Trong thực tế còn rất nhiều trường hợp, chỉ vì suy nghĩ nông cạn, bế tắc nhất thời trong cuộc sống gia đình mà nhiều khi dẫn đến những bi kịch đau lòng.

Đâu là nguyên nhân?

Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì nguyên nhân gây ra BLGĐ phần lớn vẫn là do bất bình đẳng giới, do tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" vẫn tồn tại dai dẳng trong cộng đồng. Trước đây, đàn ông thường là trụ cột gia đình, người phụ nữ bị bạo hành do kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào người chồng, vậy nhưng hiện nay khi nền kinh tế thị trường phát triển, vai trò của phụ nữ có nhiều thay đổi theo hướng tiến bộ hơn nhưng họ vẫn bị chồng ngược đãi. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khác như thành viên trong gia đình vướng vào các tệ nạn xã hội như nghiện ngập, cờ bạc... khiến gia sản tiêu tan, từ đó mâu thuẫn trong gia đình trở nên gay gắt dẫn đến BLGĐ là điều không tránh khỏi.

Giữ gia đình hạnh phúc, người đàn ông tôn trọng phụ nữ chính là cách phòng chống BLGĐ hiệu quả.
Giữ gia đình hạnh phúc, người đàn ông tôn trọng phụ nữ chính là cách phòng chống BLGĐ hiệu quả.

Một nguyên nhân khác là do tâm lý xã hội. Đơn cử như việc chồng đánh vợ thường được xã hội ngầm cho là “chuyện riêng của gia đình người ta” không nên can thiệp vào, chỉ đến khi sự việc trở nên nghiêm trọng, thậm chí là xảy ra hậu quả thì cộng đồng, làng xóm, chính quyền địa phương mới lên tiếng. Bên cạnh đó, sự đấu tranh của phụ nữ trước bạo hành gia đình còn hạn chế, họ thường cam chịu, vì có tâm lý sợ mất mặt hoặc không muốn "vạch áo cho người xem lưng".

Mặt khác, việc thực thi Luật Phòng, chống BLGĐ chưa nghiêm. Theo luật, người gây ra BLGĐ sẽ bị nộp phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng trên thực tế mới áp dụng theo kiểu nửa vời, vẫn còn nhiều trường hợp tái phạm khiến người bị bạo hành còn khổ hơn sau khi tố cáo hành vi bạo lực của chồng (vợ)... Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác khiến tình trạng BLGĐ vẫn đang xảy ra dưới nhiều hình thức, gây tác động xấu đến đời sống xã hội. Vì vậy, phòng, chống BLGĐ là trách nhiệm của toàn xã hội; để mang lại hiệu quả cao nhất cần có sự chung tay của cả cộng đồng và phải được kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp.

(Còn nữa)

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.