Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đô thị văn minh: Nhìn từ những tuyến đường kiểu mẫu

09:32, 21/03/2019
Sau hơn 6 năm triển khai xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu, với sự vào cuộc của chính quyền các cấp và sự đồng lòng, hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột theo hướng văn minh, xanh – sạch – đẹp.
 
Những chuyển biến tích cực
 
Mô hình tuyến đường kiểu mẫu được UBND TP. Buôn Ma Thuột triển khai thực hiện từ tháng 7-2012. Theo đó, các tuyến đường kiểu mẫu phải đạt những yêu cầu: là tuyến đường trung tâm tại mỗi phường, tập trung nhiều dân cư sinh sống; nếu là tuyến đường giáp ranh giữa hai phường thì phải được cả hai phường cùng tham gia xây dựng. Đặc biệt, các hộ dân, tổ chức, đơn vị trên tuyến đường kiểu mẫu phải ký cam kết thực hiện các quy định về trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường làm cơ sở để theo dõi và đánh giá khu phố văn hóa, gia đình văn hóa như: không xây dựng, cơi nới, lấn chiếm trái phép; không lấn chiếm lòng lề đường để sản xuất kinh doanh; không treo, đặt bảng quảng cáo trái quy định; không xả rác, nước thải ra đường phố; thực hiện đậu, đỗ xe đúng nơi quy định…
 
Đoạn đầu đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) được quản lý tốt đúng như tên gọi tuyến đường kiểu mẫu.
Đoạn đầu đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) được quản lý tốt đúng như tên gọi tuyến đường kiểu mẫu.
Với sự vào cuộc của cả chính quyền và người dân địa phương, việc xây dựng tuyến đường kiểu mẫu trên địa bàn một số phường đã cho kết quả khả quan; đặc biệt, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên nhiều tuyến đường đã giảm hẳn, đường sá đã thông thoáng hơn, vệ sinh môi trường cũng được bảo đảm... Đơn cử như ở phường Thống Nhất, ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân cam kết thực hiện các quy định về trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường để làm cơ sở theo dõi, đánh giá, công nhận gia đình văn hóa, khu phố văn hóa thì cán bộ phường còn duy trì công tác kiểm tra, quản lý tốt các tuyến đường kiểu mẫu của phường.
 
Theo đánh giá của Phòng Quản lý đô thị thành phố, trong 29 tuyến đường đã đăng ký thời gian qua, chỉ có 10 tuyến đường của 3 phường Thống Nhất, Thành Công và Thắng Lợi là duy trì được công tác quản lý, còn lại các phường khác chưa kiểm tra xử lý thường xuyên dẫn đến vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm về trật tự và an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
 
 

Bà Trịnh Như Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết, để xây dựng 3 tuyến đường kiểu mẫu, UBND phường đã cho làm các bồn hoa xung quanh gốc cây xanh dọc tuyến đường; chỉ đạo các phòng, ban chức năng và tổ chức hội, đoàn thể thường xuyên ra quân dọn vệ sinh môi trường, bóc dỡ biển quảng cáo trái phép, tháo dỡ mái che, biển quảng cáo không đúng quy định… nhằm tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Điều đáng mừng là các hộ dân sinh sống hai bên các tuyến đường kiểu mẫu rất tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm sóc các bồn hoa trước nhà, không bày bán lấn chiếm vỉa hè…

Ở phường Thắng Lợi, UBND phường đã triển khai tuyên truyền, ký cam kết xây dựng tuyến đường với từng hộ gia đình. Cụ thể, Ban công tác Mặt trận từng tổ dân phố phối hợp cùng với Ban tự quản trực tiếp đi vận động, đôn đốc từng hộ dân và các hộ thuê mặt bằng kinh doanh tự nguyện tháo dỡ mái che, mái vẩy, bậc tam cấp, biển quảng cáo sai quy định; nhắc nhở các hộ dân không đổ nước thải ra đường phố, tập kết rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định…
 
Cần đi vào thực chất
 
Hiện nay trên địa bàn 13 phường của thành phố có 29 tuyến đường kiểu mẫu văn minh đô thị với trên 3.000 hộ dân dọc hai bên tuyến đường ký cam kết không vi phạm các quy định về quản lý đô thị, thực hiện giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế hiện có rất ít các tuyến đường được thực hiện đúng cam kết mà thường xuyên xảy ra việc lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh buôn bán, xả thải, đậu đỗ xe không đúng nơi quy định…
 
Một đoạn vỉa hè đường Phan Bội Châu được các hộ dân để xe máy đúng nơi quy định.
Một đoạn vỉa hè đường Phan Bội Châu được các hộ dân để xe máy đúng nơi quy định.
Cụ thể, dạo quanh các tuyến đường như Lê Duẩn, Quang Trung, Y Wang, Hùng Vương, Ama Jhao… không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều đoạn vỉa hè bị các hộ kinh doanh, buôn bán lấn chiếm để bày bàn ghế bán hàng, để xe lộn xộn, tập kết vật liệu xây dựng tràn ra lòng đường hay đổ nước, rác thải ra đường phố… gây mất mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông.
 
Không những thế, tại một số tuyến đường kiểu mẫu còn diễn ra tình trạng họp chợ trên vỉa hè rất lộn xộn, nhếch nhác. Cao điểm là vào buổi sáng sớm và chiều tối, nhiều hộ dân lợi dụng không có lực lượng chức năng kiểm tra, túc trực để lấn chiếm buôn bán, khi kiểm tra thì họ lại thu dọn vào khu vực quy định, sau khi lực lượng chức năng rút đi thì đâu lại vào đó. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức, tinh thần, trách nhiệm và tính tự giác của cộng đồng dân cư về thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa cao. Mặt khác, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng ở một số phường còn thiếu cương quyết, chưa đủ sức răn đe nên việc xử lý vi phạm còn mang tính hời hợt, làm cho có.
 
Thiết nghĩ, để các tuyến đường kiểu mẫu thực sự kiểu mẫu như bản chất của nó thì trước hết phải thay đổi nhận thức của cộng đồng dân cư; cùng với đó phải có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương. Có như vậy mới tạo sự khác biệt giữa tuyến đường kiểu mẫu với các tuyến đường khác để dần nhân rộng không chỉ trong mà cả ngoài địa bàn thành phố.
 
Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.