Du học sinh làm thêm: Ðược và mất
Cùng với sự phát triển của xã hội, du học đang là một xu hướng gia tăng trên thế giới. Du học sinh đi làm thêm thì sẽ “được” và “mất” gì, xin chia sẻ cùng mọi người những điều “mắt thấy tai nghe” của tác giả bài viết này.
Nguồn tài chính cung cấp cho du học sinh chủ yếu ở ba dạng. Một là, nguồn học bổng của nước sở tại giành cho sinh viên quốc tế; hai là, nguồn học bổng của chính phủ cử đi học và cuối cùng là gia đình tự cung cấp cho học viên. Ở nguồn học bổng thứ nhất, du học sinh thường yên tâm học tập do nguồn tài chính ổn định và cao. Với nguồn học bổng này, nhà tài trợ đã tính các khoản chi phí để đủ trang trải đầy đủ cho học viên. Nhiều nước cung cấp một cách hào phóng bởi để nhận được học bổng những du học sinh đó phải trải qua các quá trình cạnh tranh gắt gao. Hai nguồn tài chính sau thông thường khá eo hẹp, đôi khi các du học sinh không đủ để trang trải trong cuộc sống.
Cái “được” đầu tiên khi du học sinh đi làm thêm có thể dễ nhìn thấy, đó là giảm căng thẳng (stress). Sau những giờ học và làm bài trên lớp rất căng thẳng do phải học với một môi trường mới và ngôn ngữ khác ngôn ngữ mẹ đẻ thì đi làm thêm sẽ giúp giảm căng thẳng. Đôi khi, nhờ làm thêm mà có thể tạo nên sự sáng tạo. Bên cạnh đó, làm thêm sẽ có thêm thu nhập, nguồn tài chính này có thể tái đầu tư như mua máy móc và thiết bị học tập cũng như cho phép đi du lịch, thậm chí là dành dụm được để gửi tiền về nhà.
Du học sinh cùng gia đình đi ngắm hoa cải vào mùa xuân tại Australia. |
Cách đây hơn mười năm, khi còn du học ở Hàn Quốc, người viết bài này chứng kiến những anh chị học các khóa trước được giáo sư cho đi làm thêm. Hầu hết các du học sinh làm thêm phải vào các nhà máy để làm việc giống như những công nhân thực thụ. Công việc nặng nhọc và giờ giấc rất nghiêm ngặt. Đổi lại, họ có thể mua sắm những chiếc máy tính xách tay hay điện thoại mà mình ưa thích. Khi tác giả du học ở Australia, bản thân thỉnh thoảng cũng phải đi làm để giảm căng thẳng.
Những việc cơ bản của du học sinh là làm bánh mì, bồi bàn hay làm ở nông trại. Thật ra, các công việc mà du học sinh làm chỉ để giải quyết hai vấn đề chính, đó là tài chính và giảm căng thẳng. Ngoại lệ, có trường hợp làm để trải nghiệm hoặc mong muốn tăng khả năng ngoại ngữ nhờ giao tiếp. Vậy nên, việc làm của du học sinh rõ ràng đã đáp ứng được hai vấn đề cơ bản đầu. Hai vấn đề sau thì ít có sự quan tâm của du học sinh. Và, tất cả những vấn đề đó, ít hay nhiều đều là điều tốt cho du học sinh.
Tuy nhiên, nếu đi làm thêm nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học hành. Bởi vì, trong môi trường học thuật mới, phương pháp tiếp cận mới và sự truyền đạt kiến thức khác với phương pháp truyền thống của mỗi nước. Điều này làm cho học viên nước ngoài khó khăn hơn trong việc học. Đặc biệt, đó là rào cản ngôn ngữ. Cho dù bạn thực sự giỏi ngoại ngữ, ví dụ đạt điểm cao ở kỳ thi chứng chỉ quốc tế để đi du học nhưng thời gian đầu bạn không thể nắm vững được hết các kiến thức ở trên lớp mà thầy giảng. Nếu đi làm thêm nghĩa là bạn đã cắt bớt thời gian tự học, dẫn đến học hành sẽ sa sút. Đi làm thêm vào các ngày trong tuần cũng có nghĩa là những ngày đi học bạn không tham gia đầy đủ.
T.N là một ví dụ, là một sinh viên giỏi, tuy nhiên, do sự hấp dẫn của thu nhập nên T.N đã đi làm thêm quá thời gian cho phép. Khi đó, nhà trường đã có thông báo rằng nếu không tham gia đầy đủ các buổi học trên lớp sẽ bị cảnh cáo. Một ví dụ khác, X.T là sinh viên được cấp học bổng quốc tế. Do đi làm thêm quá nhiều nên kết quả học tập sa sút, nhà trường đã phải gia hạn thêm thời gian học để X.T đủ chuẩn ra trường. Học tập là sự tích lũy kiến thức trải qua quá trình lâu dài, đặc biệt là ngôn ngữ của nước sở tại. Điều này giải thích rằng một số du học sinh về nước mà tiếng Anh không khá hơn bao nhiêu. Có chuyện kể rằng N.T là du học sinh, khi về nước đăng ký vào cùng vị trí với những học sinh phổ thông trong một dự án nước ngoài và kết quả là N.T không được nhận. Sau này nhà tuyển dụng giải thích với đối tác rằng N.T không đạt yêu cầu về tiếng Anh qua vòng phỏng vấn.
Môi trường học tập mỗi nước có một lợi thế khác nhau. Học ở nước ngoài, đặc biệt là các nước coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thì có thể mang lại nhiều lợi thế cho du học sinh. Tuy nhiên, khi chưa chuẩn bị đầy đủ tài chính hoặc quá sa đà vào việc làm thêm sẽ gây ra hậu quả xấu. Vậy nên, khi đã đi du học phải xác định được mục tiêu và nguồn tài chính đầy đủ để không ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết quả học tập.
Lê Văn Vượng
Ý kiến bạn đọc