Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Quyết liệt kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

10:10, 25/04/2019

Buôn Đôn là một trong những địa phương của tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao. Nhưng trong những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp quyết liệt nên công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh ở huyện Buôn Đôn đã có những chuyển biến tích cực.

Tỷ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh ra là trai/100 bé gái. Chỉ số này được coi là ở mức bình thường trong khoảng từ 103 đến 107 bé trai/100 bé gái, nếu vượt mức này là mất cân bằng. Ở huyện Buôn Đôn, theo thống kê của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, từ năm 2012, tỷ lệ giới tính khi sinh trên địa bàn huyện tăng mạnh và ở mức cao, đáng báo động về mất cân bằng giới tính khi sinh. Điển hình như năm 2012, tỷ số giới tính khi sinh của huyện là 114,9 bé trai/100 bé gái; năm 2014 là 116,2 bé trai/100 bé gái và năm 2016 là 116,5 bé trai/100 bé gái. Các địa phương có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao chủ yếu tập trung tại các xã Ea Nuôl, Ea Huar, Krông Na.

Cán bộ dân số xã Ea Bar tuyên truyền cho người dân về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Cán bộ dân số xã Ea Bar tuyên truyền cho người dân về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Bà Đàm Thị Thơm, Trưởng Ban Truyền thông Dịch vụ Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Buôn Đôn cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của huyện ở mức cao là do tâm lý muốn có con trai nối dõi tông đường; tại vùng nông thôn, người dân chủ yếu làm nương rẫy nên muốn có con trai để có thêm lao động trong gia đình. Ngoài ra, áp lực giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 - 2 con khiến phần lớn các gia đình đều muốn con cái phải “có nếp, có tẻ”. Sự phát triển của các dịch vụ y tế hiện đại có thể chọn lọc, chẩn đoán giới tính trước sinh cũng là nguyên nhân khiến người có xu hướng lựa chọn giới tính con khi sinh.

Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của huyện ở mức báo động, nguy cơ kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội, huyện Buôn Đôn xác định mục tiêu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng.

Từ năm 2017, huyện bắt đầu triển khai thực hiện Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 – 2020” với mục tiêu từng bước khống chế tốc độ gia tăng, đưa tỷ số giới tính khi sinh xuống mức cho phép. Đề án tập trung cung cấp thông tin cho cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp và những người có uy tín hiểu biết về nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh; tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động cho cán bộ chuyên trách dân số của các xã và cộng tác viên dân số…

Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm phải có con trai nối dõi, trọng nam khinh nữ, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập, duy trì các câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ ba” ở các thôn, buôn; tổ chức các buổi tuyên truyền chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh; thực hiện phân nhóm đối tượng, chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên dân số trực tiếp đến các hộ gia đình để tư vấn, vận động, thuyết phục các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức…

Chỉ tính trong năm 2018, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã tổ chức được 14 buổi tuyên truyền chuyên đề về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại các thôn, buôn có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao. Đối tượng tuyên truyền là các già làng, người có uy tín, các cặp vợ chồng mới kết hôn và đang trong độ tuổi sinh đẻ; nhất là các cặp vợ chồng sinh con đầu lòng là con gái hoặc sinh con một bề là con gái.

Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh của huyện giảm còn 110 bé trai/100 bé gái và đến năm 2018 là 107 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, theo bà Đàm Thị Thơm, việc giảm được tỷ số giới tính khi sinh đã khó nhưng việc duy trì được kết quả như hiện nay lại càng khó hơn. Do đó, trong thời gian tới, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 – 2020”; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm xóa bỏ định kiến giới, phân biệt giới...

Quốc An


Ý kiến bạn đọc