Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực của người đàn ông Êđê khiếm thị

08:26, 27/04/2019

Ở tuổi ngoài 50, lại bị mù nhưng ông Y Côn Bkrông ở buôn Kla, xã Đray Sáp, huyện Krông Ana  vẫn có công việc ổn định, biết đọc, biết viết chữ nổi và có một người bạn đời nương tựa tuổi xế chiều. Đây không chỉ là sự may mắn mà còn là kết quả của nghị lực vươn lên và tinh thần lạc quan trong cuộc sống của người đàn ông này.

Cha mất từ sớm, gia đình chỉ còn người mẹ già và người anh trai bị mù bẩm sinh lại đau ốm triền miên nên từ khi còn trẻ, dù đôi mắt rất kém, ông Y Côn Bkrông (sinh năm 1967) đã trở thành trụ cột trong gia đình. Ban đầu ông còn nhìn thấy lờ mờ rồi về sau thì mù hẳn song những công việc ruộng rẫy vẫn được ông làm thuần thục như một thói quen.

Có chút năng khiếu về âm nhạc, khi mới ngoài 20 tuổi, Y Côn đã được cố nhạc sĩ Y Moan Ênuôl dạy về hợp âm, rồi ông tự tìm tòi học cách đánh đàn ghi ta, đàn cò, organ, dương cầm, accordion. Ông có thêm công việc đàn hát phục vụ trong các đám cưới, lễ tiệc. Tuy nhiên, tay nghề đàn hát không giúp Y Côn có thu nhập đủ nuôi sống gia đình, vì thế đến năm 2014, ông tham gia Hội Người mù huyện Krông Ana, học chữ nổi rồi đi học nghề mát xa. Thành nghề song không có vốn liếng mở tiệm, Y Côn chọn cách đi mát xa dạo cho khách quen gần nhà để có thêm thu nhập.

Ngoài giờ làm việc, ông Y Côn thường xuyên chăm sóc mẹ già.
Ngoài giờ làm việc, ông Y Côn thường xuyên chăm sóc mẹ già.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng Y Côn sống rất nghĩa tình. Đối với những người nghèo khó, học sinh hay người già bị đau nhức, ông đều xoa bóp miễn phí với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Người mù huyện Krông Ana cho biết, tuy khuyết tật nhưng ông Y Côn là một người giàu nghị lực, chịu khó học hỏi và có tấm lòng nhân ái, được nhiều người dân trong buôn yêu quý, là tấm gương cho nhiều hội viên khác học tập.

Theo ông Y Côn, từ khi tham gia Hội Người mù, cuộc sống của ông đã thay đổi rất nhiều. Biết chữ nổi giúp ông hiểu về cuộc sống của những người cùng cảnh ngộ và lấy đó làm động lực phấn đấu nhiều hơn. Ông Y Côn tâm sự: “Trước đây tôi không biết chữ, hay mặc cảm tự ti với số phận, ngại tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Bây giờ tôi được đi tham dự các cuộc họp ở Tỉnh hội, có thể tự viết báo cáo, tự làm ra tiền,  phụng dưỡng mẹ già và có nhiều bạn bè”.

Có được công việc tạo ra thu nhập, biết đọc và biết viết, niềm hạnh phúc càng nhân lên khi ở tuổi ngoài 50, ông Y Côn tìm được người bạn đời cùng chăm sóc mẹ già, anh trai và nương tựa nhau ở tuổi xế chiều. Bà H’Bơk Hđơk, một phụ nữ ở cùng buôn, cảm mến nghị lực và sự chân thành của ông Y Côn đã chấp nhận cùng ông về chung một nhà để xây tổ ấm. Bà H’Bơk thương ông chịu khó nên ủng hộ chồng trong mọi việc, lo chu toàn việc nhà cửa để ông yên tâm làm việc.

Cũng trong năm 2018, được sự kết nối của Hội Người mù, ông Y Côn được tham gia chương trình “Thần tài gõ cửa” của Đài Phát thanh  - Truyền hình Vĩnh Long và nhận được khoản tiền hỗ trợ 43 triệu đồng. Ông đã dùng số tiền này mua sắm dụng cụ mát xa và thuê mặt bằng nhỏ mở tiệm ngay gần nhà, vừa có thể làm nghề vừa thuận tiện chăm sóc cho mẹ già và anh trai.

Tuy cuộc sống nghèo khó, bản thân bị khuyết tật nhưng chưa bao giờ ông Y Côn cảm thấy chán nản hay muốn bỏ cuộc; ngược lại ông luôn cố gắng để mỗi ngày trôi qua mình càng sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn. Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại dùng tiếng đàn, tiếng hát thể hiện tình yêu cuộc sống.  Mong ước của ông Y Côn là tiếp tục phát triển nghề xoa bóp, giúp đỡ được cho thêm nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hay chưa vững tay nghề; sắm sửa đồ nghề đàn hát rồi dạy lại cho người có chung niềm đam mê âm nhạc.

An Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.