Multimedia Đọc Báo in

Chương trình 167 giai đoạn 2: Tiếp tục giúp người nghèo được an cư

08:39, 24/05/2019

Sau 3 năm tích cực triển khai thực hiện, Chương trình 167 giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh đã từng bước giải quyết một phần nhu cầu bức thiết về nhà ở tại nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững...

Thực hiện Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167 giai đoạn 2), giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 5.406/9.703 căn nhà hỗ trợ hộ nghèo, đạt 55,71% theo đề án đã phê duyệt (cả giai đoạn 2016 - 2020).

Sở Xây dựng cho biết, các căn nhà được xây dựng đều đạt tiêu chuẩn, bảo đảm tiêu chí 3 cứng (nền cứng, khung cứng, mái cứng) theo quy định. Sau khi hoàn thành, giá trị ngôi nhà bình quân 40 - 50 triệu đồng, nhiều gia đình có sự giúp đỡ của cộng đồng, dòng họ làm được nhà khang trang hơn với giá trị 100 triệu đồng. Tổng nguồn vốn huy động để xây nhà là trên 226,2 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh trên 16,9 tỷ đồng; ngân sách huyện trên 5,6 tỷ đồng; vốn vay tín dụng ưu đãi trên 133 tỷ đồng; vốn huy động Quỹ “Ngày vì người nghèo” gần 8,7 tỷ; vốn huy động cộng đồng, dòng họ và của hộ gia đình người thụ hưởng gần 62 tỷ đồng.

Nhà 167 hỗ trợ cho hộ nghèo ở huyện Ea H'Leo.
Nhà 167 hỗ trợ cho hộ nghèo ở huyện Ea H'Leo.
 

"Là chương trình mang tính xã hội hóa cao, thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, dòng họ, hộ gia đình cùng tham gia đóng góp, để Chương trình 167 mang lại hiệu quả, rất cần các tổ chức, đoàn thể địa phương tuyên truyền sâu rộng, vận động cộng đồng, dòng họ tiếp tục cùng chung tay giúp sức..."

 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh

Là một trong những địa phương khó khăn của tỉnh, huyện Lắk có tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, chiếm 40,58% dân số toàn huyện. Giai đoạn 2016-2018, toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng được 513 căn nhà cho hộ gia đình khó khăn, trong đó 463 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đánh giá của UBND huyện Lắk, kết quả thực hiện Chương trình 167 giai đoạn 2 đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo ở nông thôn có nhà ở an toàn, ổn định, giúp các hộ nghèo yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nhà ở là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, do đó phải bảo đảm cả về diện tích, chất lượng. Tuy nhiên, với mức cho vay tối đa 25 triệu đồng, nguồn kinh phí hỗ trợ các cấp (tỉnh, huyện và vốn huy động từ Quỹ “Vì người nghèo”) khoảng 5,5 triệu đồng/hộ, nếu hộ gia đình không có tiền bổ sung hoặc không vận động thêm được từ bà con, dòng họ thì trong thời điểm hiện tại khó có đủ tiền để xây dựng căn nhà với diện tích tối thiểu 24 m2. Chính vì vậy, trên cơ sở ý kiến của các địa phương và đề xuất của Ban Dân tộc – HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã nâng mức hỗ trợ đối với các hộ xây nhà theo Chương trình 167 giai đoạn 2019-2020, trong đó ngân sách tỉnh từ 3 triệu đồng hộ tăng lên 5 triệu đồng/hộ; ngân sách huyện, thị xã tăng thêm 1 triệu đồng/hộ; Quỹ “Vì người nghèo” tăng thêm 1 triệu đồng/hộ.

Căn nhà của gia đình người dân ở huyện Cư Kuin được hỗ trợ xây dựng theo Chương trình 167.
Căn nhà của gia đình người dân ở huyện Cư Kuin được hỗ trợ xây dựng theo Chương trình 167.

Ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, theo kế hoạch giai đoạn 2019 - 2020, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện hỗ trợ xây dựng 4.297 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, với tổng nguồn vốn khoảng 153 tỷ đồng (ngân sách địa phương, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn huy động…). Trong đó, năm 2019 sẽ hỗ trợ xây dựng 2.605 căn với tổng nguồn vốn gần 92,8 tỷ đồng; năm 2020 hỗ trợ xây dựng 1.692 căn với tổng nguồn vốn trên 60,2 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh, thông qua việc thực hiện chính sách đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ trong cộng đồng theo nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự xây dựng”. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, trong quá trình triển khai thực hiện, ngoài mức hỗ trợ theo quy định, chính quyền địa phương các cấp có thể chủ động lồng ghép các chính sách hỗ trợ khác tùy thuộc vào tình hình thực tế và ngân sách của địa phương... Đó cũng chính là để người nghèo, cận nghèo có được ngôi nhà khang trang hơn, góp phần giúp họ an cư, vươn lên trong cuộc sống.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.