Multimedia Đọc Báo in

Gian nan nghề lấy mật ong rừng

07:44, 26/05/2019

Ở huyện M’Đrắk đang vào mùa lấy mật ong rừng. Theo chân những người thợ lấy mật ong rừng, chúng tôi bắt đầu hành trình băng rừng, lội suối lần theo dấu ong...

5 giờ sáng, từ trung tâm thị trấn M’Đrắk, men theo Quốc lộ 19C, vượt qua đèo Cọp, chúng tôi đến xã Ea Mdoal cách trung tâm huyện hơn 22 km để bắt đầu hành trình lần theo dấu ong rừng. Cùng đi với chúng tôi là anh Nguyễn Hữu Lai, công nhân Nhà máy thủy điện Krông Hinh và anh Lý Seo Chứ (dân tộc Hmông ở thôn 4, xã Ea Mdoal), nổi tiếng với khả năng leo cây nhanh thoăn thoắt, đều có hàng chục năm kinh nghiệm lấy mật ong rừng.

Mùa lấy mật ong rừng ở cao nguyên M’Đrắk kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, có hai giai đoạn khá rõ rệt: Từ tháng 3 đến giữa tháng 4, ong làm tổ ở ven suối, bìa rừng, hút mật hoa cây gỗ keo, cà phê; từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 8, đàn ong “tránh bão” (do bị săn tìm trước đó) nên làm tổ ở núi cao, hút mật hoa rừng – đây cũng là giai đoạn đàn ong cho mật ngon nhất. Hành trình theo dấu ong là vô định. Bởi có khi may mắn thì chỉ vài ba cây số đã có “lộc” mang về, nhưng cũng có khi lội bộ cả ngày mà chẳng thu được giọt mật nào. Chúng tôi cuốc bộ nhiều giờ đồng hồ, trèo qua từng dãy đồi cao, núi dựng đứng, băng qua nhiều con suối lớn nhỏ mới tiến được vào nơi bắt đầu có dấu vết của ong rừng.

Một người đi lấy mật leo cây để tiếp cận  tổ ong.
Một người đi lấy mật leo cây để tiếp cận tổ ong.

Theo kinh nghiệm của anh Lai và anh Chứ, để tìm thấy tổ ong giữa rừng cây bạt ngàn, người đi lấy mật phải có khả năng quan sát đặc biệt, đôi mắt tinh anh và phán đoán chính xác. Muốn biết khu vực nào có ong mật, thường có hai cách là nhìn theo hướng ong bay, đến những cây to có nhiều nhánh nằm ngang, có khả năng che chắn những trận gió lớn, gần cây thường có một khoảng trống để ong định hướng bay về tổ. Hoặc, chỉ cần đi dọc các khe nước lên phía thượng nguồn, tìm đến những chỗ có thác nước hay những bãi cát rộng, thoáng mát, bởi ở đó ong thường đến uống nước trước khi bay về tổ.

Tổ ong đầu tiên mà anh Lai phát hiện được khá to, chiều dài gần 1 m, rộng 0,5 m, nằm trên ngọn cây rừng cao gần 20 m. Nghề lấy mật ong rừng cực kỳ vất vả, nguy hiểm, phải có sức khỏe và biết leo trèo, không sợ độ cao. Đồ nghề của người lấy mật cũng rất thô sơ, gồm: khăn len trùm kín bảo vệ mặt, con dao, can và xô nhựa chứa mật. Ngay dưới gốc cây có tổ ong, anh Chứ và anh Lai lấy từng que củi khô nhỏ bằng ngón tay, dài khoảng 1 m bó thành hai bó to bằng bắp chân, xung quanh bọc lá cọ tươi làm đuốc để đốt cháy không thành lửa ngọn, chủ yếu tạo nhiều khói.

Tùy vào độ cao, kích thước của thân cây nơi đàn ong làm tổ mà thợ lấy mật dùng nhiều cách khác nhau để leo lên: đu dây cây sống, đóng móng vào thân cây hay làm thang vòng qua những gốc cây... Khi tiến cách vị trí tổ ong 2 m, anh Chứ bắt đầu đốt đuốc, khói nhả ra, đàn ong say khói túa ra, bay loạn xạ. Từ trên cao, anh Chứ reo lên: “Tổ này to, nhiều mật lắm, vẫn còn chân bám!”, anh Lai đáp lại ngay: “Cắt lấy mật, giữ tổ nhé!”. Anh Lai giải thích, theo đặc tính của loài ong, khi đã làm tổ ở địa điểm này, sau khi lấy mật chỉ cần đắp lại tổ thì chỉ 20 ngày đến một tháng sau, hoặc kể cả sang năm sau ong lại đến làm tổ tiếp, có thể lấy mật nhiều lần nữa. Ong có thời gian xây tổ và làm mật rất nhanh, chỉ sau 20 ngày làm tổ là có thể khai thác được mật. Tuy nhiên, để mật đạt chất lượng tốt nhất thì phải hơn 30 ngày. Thợ lấy mật ong rừng phải nắm được quy luật này để có được “mùa bội thu” và khai thác bền vững.

Niềm vui đón mật ngọt của rừng.
Niềm vui đón mật ngọt của rừng.

Nhiều năm đi lấy mật, anh Chứ, anh Lai không ít lần bị ong đốt sưng khắp người. Thậm chí, theo lời kể của anh Chứ, vài người bạn cùng nghề đã chết vì té ngã từ trên cao xuống. Khi thợ lấy ong đã trèo lên cây thì tính mạng chẳng khác nào “ngàn cân treo sợi tóc”. Nếu gặp đàn ong dữ, thợ săn mật có thể bị tấn công dồn dập và hứng mũi đốt chí mạng của ong rừng, nhất là khi tay đã đặt vào tổ ong, cơ thể dính mật cùng với bị ong đốt loạn xạ, tay trơn trượt không thể bám vào thân cây, thợ lấy mật rơi tự do từ độ cao hàng chục mét, xác định chỉ có chết. Đây cũng là lý do những người đi lấy mật thường đi theo cặp, theo nhóm nhưng mỗi người tách ra với khoảng cách không quá xa nhau.

Những người chuyên lấy mật ong rừng như anh Lai, anh Chứ luôn tâm niệm hai điều: giữ rừng và nuôi mật. Vì thế, trong suốt hành trình, mỗi khi châm lửa đốt đuốc, các anh luôn dập lửa, đợi tắt hẳn khói rồi mới rời đi. Anh Lai bộc bạch: Người đi lấy mật ong rừng, sống nhờ “lộc rừng” thì càng phải có lương tâm, trách nhiệm và nguyên tắc hành nghề. Khai thác mật nhưng không tận diệt đàn ong, bởi tận thu gây ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái cũng chính là tận diệt nguồn sống của chính mình. Người thợ lấy mật nhìn những mảng sáp vàng óng để đánh giá lượng mật, tổ nhiều mật thì khai thác luôn, tổ mới làm, ít mật sẽ để dành khai thác sau. Khi lấy mật, tuyệt đối không được phá tổ, mở cho ong đường sống để tiếp tục sinh sôi, nảy nở, cho mật ngọt những mùa sau. Tôn trọng bầy ong cũng chính là cách tôn trọng nghề nghiệp của mình, có vậy mới vừa được thụ hưởng vừa bảo tồn tinh hoa quý giá của núi rừng.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.