Cần có cơ chế đặc thù giải quyết chế độ cho người tham gia kháng chiến không còn giấy tờ gốc
Qua kết quả tổng rà soát đối tượng chính sách có công theo Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk có 432 người tham gia hoạt động kháng chiến nhưng chưa được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng.
Trên cơ sở kết quả rà soát hồ sơ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, phân loại đối tượng, xem xét giải quyết chế độ thương binh, người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bệnh binh, công nhận liệt sỹ, người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng Huân, huy chương, thanh niên xung phong, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và hưởng các chế độ liên quan khác theo quy định được 307 trường hợp; còn 125 trường hợp chưa thể xem xét giải quyết chế độ, nguyên nhân là do các đối tượng không còn giấy tờ gốc.
Cũng như nhiều địa phương, trong kháng chiến ngoài lực lượng vũ trang (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương) ở tỉnh Đắk Lắk còn có sự tham gia của lực lượng thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, cán bộ dân chính đảng, dân quân, du kích, cán bộ thôn, buôn, cơ sở cách mạng và lực lượng quần chúng nhân dân trong đấu tranh chính trị.
Song hiện nay, một số binh trạm thanh niên xung phong, đơn vị trong quân đội hoặc đơn vị được thành lập trong một giai đoạn lịch sử nhất định phục vụ các trận đánh sau giải phóng đã giải thể, sáp nhập. Và bản thân các đối tượng khi chiến tranh kết thúc do quá vui mừng được trở về quê hương, gia đình nên không quan tâm nhiều đến giấy tờ tham gia. Cũng có trường hợp, đơn vị tham gia chiến đấu không còn lưu giữ các giấy tờ gốc do thất lạc, chiến tranh tàn phá…
Đặc biệt, lực lượng quần chúng nhân dân là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia kháng chiến không thuộc quân số của lực lượng vũ trang cũng không phải cơ quan dân chính đảng, họ thực hiện nhiệm vụ khi có tổ chức đứng lên tập hợp để tham gia các cuộc đấu tranh chính trị. Trong đó có nhiều trường hợp bị địch bắn chết đã được công nhận liệt sỹ (vì tại thời điểm đấu tranh được tổ chức xác nhận), nhưng cũng còn không ít trường hợp bị thương chưa được xem xét giải quyết chế độ do danh sách, tài liệu không có hoặc không còn lưu trữ, các thông tin, tài liệu về trận đánh, cuộc đấu tranh chính trị bị mai một theo thời gian.
Sở LĐ-TBXH họp rà soát hồ sơ giải quyết chế độ thanh niên xung phong. |
Việc thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi đối với các đối tượng trên căn cứ theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 của Bộ LĐ - TBXH và Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ gốc. Tuy nhiên, khi hướng dẫn đối tượng thiết lập hồ sơ theo Thông tư trên gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, Thông tư liên tịch số 28 quy định điều kiện để xác nhận liệt sỹ phải có danh sách liệt sỹ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh, hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31-12-1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sỹ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu.
Người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sỹ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sỹ từ ngày 31-12-1994 trở về trước. Về điều kiện xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, phải có một trong các giấy tờ: lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân; lý lịch công an nhân dân; quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc; hồ sơ bảo hiểm xã hội hoặc các giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31-12-1994 trở về trước, nếu không có các giấy tờ này phải là đối tượng đã được hưởng chế độ trợ cấp theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ… Nếu chiếu theo các điều khoản quy định của Thông tư 28 thì rất khó khăn trong việc thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ, vì những điều kiện quy định trong Thông tư đã là giấy tờ gốc, vấn đề là hiện nay các đối tượng không còn các giấy tờ, tài liệu chứng minh tham gia hoạt động kháng chiến. Chính vì không còn giấy tờ gốc, nên từ năm 2013 đến nay tỉnh Đắk Lắk chỉ giải quyết chế độ ưu đãi được cho 2 trường hợp theo Thông tư 28.
Để đảm bảo quyền lợi đối với những người tham gia kháng chiến chưa giải quyết chế độ chính sách NCC, Đảng, Nhà nước cần ban hành cơ chế đặc thù đối với từng vùng, miền để vận dụng giải quyết chính sách cho phù hợp, như: vận dụng cơ chế hai người làm chứng; xác nhận của các đơn vị chủ quản, đơn vị trực tiếp tổ chức đấu tranh chính trị hoặc có chính sách giải quyết chế độ một lần và các chế độ liên quan (mua thẻ BHYT, mai táng phí) đối với những trường hợp này. Ngoài ra, các bộ, ngành Trung ương cần có sự phối hợp để ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các nội dung của Pháp lệnh, Nghị định sát với thực tế, phù hợp từng loại đối tượng, từng giai đoạn lịch sử và sớm điều chỉnh kịp thời những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong trình triển khai, thực hiện các văn bản để các địa phương có cơ sở triển khai các chính sách được thông suốt và đạt hiệu quả.
Lê Hải Lý
Ý kiến bạn đọc