Chăm lo thực hiện chế độ, chính sách cho người có công
Khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh luôn ghi nhớ công ơn và thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn, qua đó kịp thời động viên, tạo điều kiện cho người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Việc giải quyết các chế độ chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công như: hỗ trợ về nhà ở; trợ cấp một lần hoặc trợ cấp, phụ cấp hằng tháng; cấp thẻ bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; tiền tuất, trợ cấp nuôi dưỡng; mai táng phí; ưu đãi giáo dục - đào tạo, dạy nghề - việc làm; vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất được các ngành chức năng của tỉnh đặc biệt quan tâm, thực hiện đúng đối tượng. Tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được nâng lên, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiệu quả, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các chế độ, chính sách của gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công.
Trong giai đoạn 2012 - 2019, tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết chế độ ưu đãi người có công, thân nhân người có công và các đối tượng liên quan khác cho gần 19.500 trường hợp; tiếp nhận hơn 2.849 hồ sơ đối tượng chính sách từ Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh chuyển đến và tiếp tục quản lý, chi trả theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, hoàn chỉnh thủ tục giải quyết chuyển 817 hồ sơ người có công của tỉnh Đắk Lắk đến Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố khác theo nguyện vọng của đối tượng.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Trần Phú Hùng trao sổ tiết kiệm tình nghĩa tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nữa ở phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: H.Gia |
Bên cạnh đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công, gia đình chính sách cũng thường xuyên được chú trọng, thông qua việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Riêng trong giai đoạn 2012 - 2019, thông qua nhiều hình thức vận động, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đã đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh hơn 60 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 1.223 căn nhà Tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 36 tỷ đồng; tặng 814 sổ tiết kiệm Tình nghĩa cho đối tượng chính sách; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ kinh phí cho hàng trăm người có công và thân nhân gặp khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài ra, từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ gần 49 tỷ đồng, các địa phương trong tỉnh đã triển khai xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 1.288 căn nhà Tình nghĩa. Đã tổ chức điều dưỡng tập trung đối với 1.244 lượt người có công và giải quyết chế độ điều dưỡng tại nhà đối với 31.762 lượt người có công với kinh phí gần 35 tỷ đồng. Đặc biệt, 47/47 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng chăm sóc; 100% người có công được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức các đoàn người có công tiêu biểu đi tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của đất nước. 184/184 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ.
Trong giai đoạn 2012 - 2019, tỉnh đã tổ chức quy tập 142 hài cốt liệt sỹ hy sinh tại Campuchia và các chiến trường Tây Nguyên đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh; triển khai lấy 208 mẫu hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin quy tập tại Campuchia và tại các nghĩa trang liệt sỹ bàn giao cho các đơn vị giám định ADN để phân tích và lấy mẫu sinh phẩm thân nhân. Phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai thực hiện Đề án cổng thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ tại 13 nghĩa trang liệt sỹ với 3.868 mộ liệt sỹ được tổng hợp thông tin, chụp hình để đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ LĐ-TBXH. Trên cơ sở nguồn kinh phí 54 tỷ đồng của Trung ương ủy quyền, tỉnh đã phân khai nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia ghi danh, đài tưởng niệm và đền thờ liệt sỹ trong tỉnh.
Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thăm, trao sổ tiết kiệm tình nghĩa tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Toàn (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: N.Hoa |
Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng là chủ trương lớn, việc làm thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để tạo điều kiện cho người có công, gia đình chính sách sống tốt hơn, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thời gian tới rất mong các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động tốt các nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công như: Tặng nhà Tình nghĩa, sổ tiết kiệm Tình nghĩa và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa..., phấn đấu từng bước bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Về phía ngành LĐ-TBXH sẽ tập trung rà soát, hướng dẫn, xác lập, xét duyệt hồ sơ, giải quyết dứt điểm các trường hợp chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chế độ, bảo đảm tất cả người có công được hưởng chế độ ưu đãi đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật.
Sở LĐ-TBXH đang quản lý gần 62.000 hồ sơ đối tượng, trong đó gần 49.000 hồ sơ người có công, thân nhân người có công và hơn 12.000 hồ sơ đối tượng khác, như: thanh niên xung phong, hưởng chế độ theo Quyết định 290, 142, 53, 62, 57, 49, 24 của Thủ tướng Chính phủ... Hiện nay, tỉnh đang chi trả trợ cấp hằng tháng cho gần 12.000 đối tượng, với số tiền hơn 21 tỷ đồng/tháng. |
Trần Phú Hùng
Giám đốc Sở LĐ-TBXH
Ý kiến bạn đọc