Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội: Thêm "cú hích" trong xóa đói giảm nghèo ở Krông Năng
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40) đã tạo “cú hích” trong xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Krông Năng.
Ngay sau khi có Chỉ thị 40 và những hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cấp trên, Phòng giao dịch NHCSXH Krông Năng (NHCSXH Krông Năng) đã tham mưu cho Huyện ủy Krông Năng ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền đối với hoạt động NHCSXH; tham mưu cho UBND huyện ban hành Quyết định triển khai Chỉ thị 40 trên địa bàn.
Để Chỉ thị 40 sớm đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, NHCSXH Krông Năng cũng đã chủ động phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện; tổ chức tập huấn để tuyên truyền đến tận thôn, buôn, tổ dân phố, Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Với sự chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện Krông Năng, hoạt động của NHCSXH trên địa bàn đã nhận được sự quan tâm, tăng cường lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể trong huyện.
Cùng với đó, việc kiện toàn 12 thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã, thị trấn vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện đã củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp. Hiệu quả rõ nhất của sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện là việc địa phương đã dành một phần nguồn vốn từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối dượng chính sách trên địa bàn, tăng từ 4 tỷ đồng năm 2014 lên hơn 9,1 tỷ đồng năm 2019.
Phòng giao dịch NHCSXH Krông Năng tiến hành giải ngân vốn vay. |
Việc quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 40 không chỉ củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị mà còn nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn. Hiện nay Phòng giao dịch NHCSXH Krông Năng đang thực hiện 13 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, với tổng dư nợ trên 312 tỷ đồng. Đáng chú ý là 100% dư nợ của đơn vị được cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân quản lý 4.354 hộ vay, dư nợ trên 113,6 tỷ đồng; Hội Phụ nữ quản lý 4.340 hộ vay, dư nợ trên 117,4 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh quản lý 2.136 hộ, dư nợ gần 57 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên quản lý 987 hộ, dư nợ trên 21 tỷ đồng).
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Giang Phan Gia Phương, vốn vay NHCSXH đã giúp nhiều hội viên có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh. Quan trọng hơn là thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, hội viên có cơ hội được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng phát triển kinh tế.
Bản thân ông Phan Gia Phương có 1,2 ha sầu riêng trồng thuần đã 8 năm tuổi, từ năm 2017 về trước vì chưa được chăm sóc đúng cách nên một số cây sầu riêng bị chết, thu nhập mang lại từ vườn cây không đáng kể. Tháng 7-2017, ông được NHCSXH huyện Krông Năng cho vay 40 triệu đồng và đồng hành, hỗ trợ trong việc chăm sóc vườn cây.
Từ số vốn này, ông Phương đã đầu tư phân bón và áp dụng tiến bộ khoa học vào việc chăm sóc cây trồng. Vụ thu hoạch năm 2018, nhờ năng suất và giá bán cao, vườn sầu riêng đã mang lại cho gia đình ông thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Còn với hộ ông Trương Văn Mừng (thôn Lộc Tân, xã Phú Lộc), vốn vay NHCSXH đã mở ra cánh cửa thoát nghèo cho gia đình. Vốn là một trong những hộ khó khăn nhất tại địa phương, năm 2015, ông Mừng được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò. Với bản tính cần cù chịu khó, cộng với việc được hỗ trợ vốn đúng lúc, từ hai con bò ban đầu, đến nay ông Mừng đã có trong tay 20 con bò, giúp kinh tế gia đình dần ổn định. Nhờ phát huy tốt hiệu quả vốn vay, hiện ông Trương Văn Mừng tiếp tục được NHCSXH cho vay hơn 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất, bảo đảm thoát nghèo bền vững.
Theo đánh giá của UBND huyện Krông Năng, thông qua các tổ chức đoàn thể - xã hội, Phòng giao dịch NHCSXH Krông Năng bên cạnh làm tốt công tác dân vận, vận động hội viên chấp hành trả nợ đúng hạn và thực hiện cam kết trả nợ còn tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm giúp hội viên, đoàn viên phát huy hiệu quả quản lý và sử dụng vốn vay. Nhờ đó, hầu hết các chương trình tín dụng đều phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2,5 - 3%/năm, diện mạo nông thôn mới ở Krông Năng vì thế cũng ngày càng khởi sắc.
Từ khi thực hiện Chỉ thị 40, huy động tiết kiệm của Phòng giao dịch NHCSXH Krông Năng tăng từ 11,5 tỷ đồng năm 2014 lên 28,6 tỷ đồng 7 tháng đầu năm 2019; dư nợ tín dụng tăng từ 189,8 tỷ đồng lên gần 317 tỷ đồng; giảm nợ quá hạn từ 0,22% xuống còn 0,08%. |
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc