Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số: Vẫn còn bất cập

10:00, 23/08/2019

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã trao cho nhiều người chiếc “cần câu” để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đào tạo nghề tại nhiều nơi vẫn chưa thiết thực, không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Trao “cần câu” cho người lao động

Có thể nói, chính sách đào tạo nghề cho đồng bào DTTS là một trong những giải pháp căn cơ, thiết thực nhằm khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo việc làm bền vững cho lao động ở vùng đồng bào DTTS. Khi tham gia các lớp dạy nghề, người lao động được tiếp cận rất nhiều nghề phi nông nghiệp như nghề may, sửa chữa máy nông nghiệp, xây dựng, nấu ăn… để tìm kiếm cho mình những cơ hội việc làm ổn định, phát triển kinh tế.

Đơn cử như em H’Trinh Niê (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo), gia đình thuộc diện khó khăn nên sau khi học xong lớp 12, em đăng ký vào lớp học nghề chăm sóc da do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện mở miễn phí. Sau hơn 3 tháng học nghề, em xin được việc làm ở một cơ sở làm đẹp trên địa bàn huyện với mức lương khá ổn định 4 triệu đồng/tháng.

Học viên lớp trồng trọt ở huyện Krông Bông thực hành ghép chồi cây cà phê.
Học viên lớp trồng trọt ở huyện Krông Bông thực hành ghép chồi cây cà phê.

Ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), nhiều lao động là đồng bào DTTS sau khi học nghề xây dựng đã cùng nhau tập hợp, lập nhóm nhận xây dựng các công trình, nhà ở trong và ngoài địa phương. Với công việc này, nhiều lao động đã có nguồn thu nhập khá cao, từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Hay như ở huyện Krông Bông, có lao động sau khi học nghề chăn nuôi bò đã ứng dụng hiệu quả kiến thức học được vào thực tiễn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Đó là trường hợp của chị H’Nhip Niê (xã Yang Mao), gia đình chị nhiều năm trước đây đã gắn bó với việc chăn nuôi bò song do thiếu kiến thức nên hiệu quả mang lại không cao. Do đó, năm 2017, khi biết Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp dạy nghề chăn nuôi miễn phí, chị đã đăng ký. Sau 3 tháng học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, chị đã biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn bò phát triển nhanh. Đến nay kinh tế của gia đình chị H’Nhip ngày càng khấm khá nhờ nguồn thu từ việc bán bò.

Còn nhiều trăn trở

Công tác đào tạo nghề cho lao động DTTS thời gian qua dù đã có được hiệu quả bước đầu, với nhiều tín hiệu tích cực nhưng thực tế vẫn còn một số nơi, một số lớp dạy nghề chưa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người lao động cũng như thực tiễn của địa phương, gây lãng phí tiền của Nhà nước mà người học lại không tìm kiếm được việc làm. Chính vì thế, nhiều học viên sau khi nhận chứng chỉ lại trở về với công việc nương rẫy, làm thuê cuốc mướn như trước đây.

Một buổi thực hành của lớp đào tạo nghề xây dựng cho lao động ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.
Một buổi thực hành của lớp đào tạo nghề xây dựng cho lao động ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.

Qua tìm hiểu có thể thấy, nguyên nhân đầu tiên là dù đã được đào tạo nghề nhưng do không có vốn đầu tư phát triển sản xuất nên chỉ sau vài tháng người được đào tạo lại mai một kiến thức. Tiếp đến là một số ngành nghề đào tạo không phù hợp với nhu cầu thực tiễn, phong tục, tập quán người dân địa phương nên không mấy phát huy hiệu quả.

Đơn cử như nghề may công nghiệp dù được đào tạo khá nhiều song kiếm được việc làm trong tỉnh không dễ; trong khi đó, nhiều cơ sở may mặc ở những tỉnh thành khác có nhu cầu tuyển dụng thì phần lớn lao động DTTS đã học nghề may lại không muốn đi làm việc xa gia đình vì tâm lý, tập quán. Hay như việc dạy nghề dệt thổ cẩm, học viên sau khi học nghề, lấy chứng chỉ xong đành “bỏ túi” vì sản phẩm làm ra không tìm được nơi tiêu thụ, dẫu biết đào tạo nghề dệt này gắn với việc bảo tồn văn hóa dân tộc truyền thống…

Cùng với đó, thực tế việc đào tạo nghề cho lao động DTTS những năm qua đã cho thấy, một số địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người lao động học nghề, lại phải chịu áp lực phải đạt chỉ tiêu đào tạo được giao... Điều này dẫn tới đào tạo không theo nhu cầu, chưa gắn với thực tiễn phát triển sản xuất của địa phương; người học cũng không mặn mà, quá trình học không xuyên suốt nên sau khi kết thúc khóa học chưa nắm vững kiến thức. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hướng dẫn vay vốn sau đào tạo và tiêu thụ sản phẩm từ cơ sở chưa được chú trọng.

 Thiết nghĩ, để công tác đào tạo nghề cho lao động DTTS thực sự hiệu quả, mỗi địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ngành nghề đào tạo sát thực tế, nhu cầu học nghề của từng bộ phận người dân. Đặc biệt, các cấp chính quyền cần hỗ trợ người lao động chuyển đổi ngành nghề phù hợp; sau khi học viên ra trường cần theo dõi và nắm bắt kịp thời tình hình thực tế của học viên nhằm hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu cho học viên tìm kiếm công việc đúng ngành nghề đã học; có cơ chế vay vốn ưu đãi hay dạy nghề gắn với giải quyết việc làm.

Theo kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn của UBND tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng 2.290 lao động nông thôn; tổng kinh phí dự kiến trên 6,2 tỷ đồng. Mục tiêu sau khi được đào tạo có ít nhất 80% lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục việc làm cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.