Multimedia Đọc Báo in

Ngạt ngào hương lúa rẫy

08:52, 06/10/2019
Sau thời gian gửi vào lòng đất, những hạt lúa rẫy hút sương trời gió núi vươn mình nảy mầm xanh. Đến khi đủ ngày đủ tháng, cây lúa đơm bông, kết thành những  “hạt ngọc trời” vàng óng, tỏa hương thơm ngào ngạt.
 
Vượt qua con đường đất đỏ quanh co, gồ ghề, chúng tôi đặt chân đến rẫy lúa nằm ở lưng chừng đồi của gia đình anh Y Quang Kbuôr (buôn A Yun, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk). Trước mắt là vạt lúa rẫy vàng óng cao tới vai người, bông lúa nặng trĩu hạt đung đưa theo làn gió. Y Quang cho biết, rẫy lúa nhà anh rộng hơn 2 sào được trồng xen trong vườn cà phê tái canh. Trước kia, nhà Y Quang trồng nhiều lúa rẫy nhưng về sau thưa dần vì phải nhường đất cho cây cà phê, hồ tiêu. Khi cà phê già cỗi, anh trồng lại cây lúa rẫy để lấy gạo ăn và tận dụng nguồn rơm tái tạo dinh dưỡng cho đất. Quy trình trồng lúa rẫy khá đơn giản: Mưa đến, người dân đem những hạt lúa giống đã tuyển chọn kỹ mang lên rẫy tỉa. Họ dùng thanh cây nhọn chọc lỗ theo hàng, bỏ từng hạt giống xuống đất rồi lấp lại.
Thiếu nữ trên nương lúa rẫy.
Thiếu nữ trên nương lúa rẫy.
 
Những hạt lúa đã gửi vào lòng đất sẽ nhờ sương trời gió núi để vươn mình nảy mầm xanh. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, người trồng chỉ tốn công làm cỏ, còn sự sống thì “phó mặc” cho cây tự sinh tự dưỡng theo quy luật tự nhiên. Sau 4 - 6 tháng trồng (tùy loại giống), cây lúa sẽ đơm bông, kết thành những hạt lúa to, chắc nịch, nấu lên có mùi thơm đặc trưng.
 
Do canh tác theo phương pháp truyền thống nên năng suất lúa rẫy chỉ đạt từ 2 - 3 tạ thóc/sào, thấp hơn nhiều so với trồng lúa nước nhưng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn trồng. Già Ama Dem (buôn Kdruh, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) tâm sự, lúa rẫy không còn là cây trồng chủ lực của gia đình ông và bao người dân trong buôn làng, chuyện được - mất mùa lúa rẫy không quyết định tới sự no đói của mỗi nóc nhà, tuy nhiên, lúa rẫy sẽ không bao giờ mất đi.
Lúa rẫy nhà anh Y Quang đang cho thu hoạch.
Lúa rẫy nhà anh Y Quang đang cho thu hoạch.
 
Theo ông, với đồng bào Êđê, Ja Rai hay M’nông... trồng lúa rẫy không đơn thuần để lấy gạo mà là gìn giữ truyền thống dân tộc. Cây lúa là hiện thân cho nền “văn minh nương rẫy” nuôi sống con người qua bao thế hệ. Trong ký ức già Ama Dem, lúa rẫy từng phủ kín cả núi đồi, cây lúa cứng cáp, cao tới đầu người, dẫu mưa to gió lớn vẫn không bị quật ngã. Mùa thu hoạch đến, màu vàng ươm của lúa nhuộm hết một vùng. Dân làng dựng chòi trên rẫy, thay phiên nhau tuốt hết lúa nhà này sang nhà khác. Trong lúc thu hoạch, họ chọn những hạt lúa to, căng tròn, phơi khô cất giữ trong ống lồ ô làm giống cho vụ sau.
 
Lúa về kho là cả buôn làng chung nhau làm lễ cúng mừng lúa mới cảm tạ “Thần Lúa” phù hộ cho vụ mùa bội thu. Nghi lễ này xuất phát từ tín ngưỡng đa thần: Làm ra hạt lúa rẫy không chỉ có bàn tay con người mà còn là sự kết tinh của đất trời và sự che chở, bảo vệ của Yàng (Thần linh). Ngày nay diện tích lúa rẫy đã giảm mạnh nhường chỗ cho các cây trồng khác như cây tiêu, cà phê, bắp, đậu... Riêng già Ama Dem luôn dành một phần đất nhỏ khoảng 1 sào gần con suối để trồng lúa rẫy. Mỗi vụ, già thu về chỉ vài bao lúa song ông cảm thấy vui và luôn trân quý, lưu giữ những “hạt ngọc trời" này.
 
Thanh Thủy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.