Multimedia Đọc Báo in

Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Ea Kar

09:22, 29/11/2019

Phát huy tinh thần yêu nước, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Ea Kar luôn đoàn kết một lòng, tích cực góp sức xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp.

Huyện Ea Kar có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 10.171 hộ với 47.379 nhân khẩu, chiếm 29,51% dân số. Qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt các thôn, buôn, nhất là vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Ea Kar  ngày càng khởi sắc.

Để khơi dậy phong trào, tạo khí thế sôi nổi trong quần chúng nhân dân, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã đề ra các hoạt động thiết thực, cụ thể: Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện với phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Đoàn Thanh niên duy trì các hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”; Hội Phụ nữ gắn 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới với phong trào “Xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình 5 không 3 sạch”, triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; Hội Nông dân tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”... Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong toàn hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và sự hưởng ứng nhiệt tình, đồng lòng của người dân trên địa bàn tham gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có đồng bào DTTS.

 Một  đoạn đường nội thôn ở xã Ea Sar do người dân  hiến đất  xây dựng.
Một đoạn đường nội thôn ở xã Ea Sar do người dân hiến đất xây dựng.

Đơn cử như ở xã Ea Sar, nhân dân đã nhiệt tình tham gia ủng hộ bằng tiền mặt, tự nguyện hiến đất đai, tháo dỡ các công trình, hoa màu, cây cối và đóng góp ngày công lao động để làm các công trình giao thông, nhà văn hóa thôn... Cụ thể, từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã đã đóng góp tiền mặt được 5,9 tỷ đồng, 2.000 ngày công, hiến đất giải phóng mặt bằng 49,5 ha đất, giá trị cây trồng được hiến 3,5 tỷ đồng.

Tiêu biểu như hộ ông Bàn Tiến Thọ (dân tộc Dao, thôn 2, xã Ea Sar) ngoài việc đóng góp tiền làm đường giao thông nông thôn hằng năm, ông còn tự nguyện hiến hơn 300 m2 đất mặt đường Tỉnh lộ 11 để địa phương mở đường đi lại với các thôn buôn khác thuận lợi hơn. Ông Văn Đình Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar cho biết: "Xã Ea Sar là địa phương tập trung khá đông đồng bào DTTS (chiếm 51% dân số) gồm các dân tộc như: Xê Đăng, Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường, Êđê.

Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, người dân địa phương, nhất là đồng bào các DTTS trên địa bàn xã đã đồng lòng góp sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, bộ mặt các thôn, buôn ở vùng nông thôn thay đổi rõ rệt...".

Cùng với việc chung tay, góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện cũng đã chú trọng phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều hộ chuyển đổi các loại cây trồng vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ sản xuất nhằm nâng cao thu nhập. Nhiều mô hình bước đầu cho hiệu quả tích cực như trồng vải thiều, bơ booth, cam, quýt và chăn nuôi heo rừng lai, bò sinh sản, nuôi yến sào...

Toàn huyện đã huy động người dân, cộng đồng các dân tộc đóng góp tiền mặt, hiến trên 100 ha đất có cây cối, hoa màu, tài sản trên đất… với tổng trị giá trên 257 tỷ đồng và gần 100.000 ngày công lao động xây dựng nông thôn mới.

UBND huyện Ea Kar cho biết, huyện đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp cho các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chuyên môn và các địa phương tổ chức hướng dẫn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới để người dân áp dụng vào sản xuất, vì vậy thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt vùng DTTS ngày càng được cải thiện, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Điển hình như hộ bà Bế Thị Xanh (dân tộc Tày, thôn 4 xã Ea Sar), trước đây kinh tế của gia đình phụ thuộc vào 1 ha đất cà phê xen tiêu cho hiệu quả không cao. Năm 2012, bà thử nghiệm nuôi heo rừng lai. Sau hơn 1 năm, thấy đàn heo sinh trưởng, phát triển tốt, từ chỉ nuôi 5 con ban đầu, bà đã mạnh dạn mở rộng thành trại chăn nuôi với thời điểm nhiều nhất lên đến trên 100 con. Trung bình mỗi năm trại heo của gia đình xuất khoảng 200 con heo giống và heo thịt ra thị trường, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Mô hình nuôi heo rừng lai của hộ gia đình bà Bế Thị Xanh (thôn 4, xã Ea Sar).
Mô hình nuôi heo rừng lai của hộ gia đình bà Bế Thị Xanh (thôn 4, xã Ea Sar).

Bên cạnh phát triển đời sống kinh tế, đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện cũng quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; thực hiện ăn ở hợp vệ sinh; tạo điều kiện cho trẻ đến trường đúng độ tuổi; tích cực tham gia bảo tồn, phục dựng, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc... 

Với sự đồng lòng hưởng ứng của đồng bào các dân tộc toàn huyện, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Ea Ô và Cư Ni), 7/14 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí,  3 xã đạt từ 13 - 14 tiêu chí, 2 xã đạt từ 10 - 11 tiêu chí.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.