Multimedia Đọc Báo in

Những cán bộ Mặt trận tận tâm

14:00, 25/11/2019

Với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, những cán bộ Mặt trận ở các thôn, buôn trên địa bàn TX. Buôn Hồ là hạt nhân tích cực trong phát động, xây dựng khối đại đoàn kết ở khu dân cư.

Trưởng Ban công tác Mặt trận “giàu thành tích”

Sau thời gian làm Xã đội trưởng, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã, Trưởng thôn, năm 2010 ông Nguyễn Thành An được nhân dân thôn Bình Minh 2 (xã Bình Thuận) tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban công tác Mặt trận.

Mọi công việc đều được ông xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, có sự thống nhất trong nội bộ, đề xuất với cấp ủy chi bộ.

Ông phối hợp với thành viên Ban công tác Mặt trận chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương đến nhân dân.

Bên cạnh đó, bằng uy tín, trách nhiệm của mình, ông An và các thành viên tổ hòa giải kịp thời giải quyết các mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, bất hòa liên quan đến hộ gia đình; nhờ vậy, các vụ việc đều hóa giải từ cơ sở, không có tình trạng khiếu kiện vượt cấp, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn tình đoàn kết, tạo đồng thuận trong nhân dân.

Hằng ngày ông An vẫn trực tiếp tham gia lao động sản xuất.
Hằng ngày ông An vẫn trực tiếp tham gia lao động sản xuất.

Để triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với việc “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, vận động nhân dân, căn cứ vào tình hình thực tế tại thôn, ông An đề xuất xây dựng lộ trình cụ thể, triển khai các mô hình tiêu biểu để nhân rộng.

Trong những năm qua, ông An đã góp phần vận động nhân dân trong thôn hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp vật chất, ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.

Hiện nay, thôn Bình Minh 2 có trên 70% đường nội thôn đã được bê tông hóa, 80% đường nội đồng được cứng hóa; 100% số hộ gia đình đều tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, gần 90% hộ gia đình văn hóa; trong thôn không có tệ nạn xã hội...

Để nêu gương, vận động nhân dân chăm lo sản xuất, xóa đói giảm nghèo, ông An cũng đã xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả của gia đình, với 2 ha trồng cà phê xen canh tiêu và các loại cây ăn quả cho thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Người cán bộ Mặt trận tận tụy của buôn làng

Tận tụy, gần dân, sát dân, tâm huyết hết mình với công việc, không ngại khó, ngại khổ là nhận xét của nhiều người dân ở buôn Pheo (xã Ea Drông) về anh Y Ngơ Ayun, Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn.

Buôn Pheo hiện có 101 hộ, 440 khẩu, trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, gần 10% là đồng bào có đạo. Đa số nhân dân đều làm nông nghiệp nên anh Y Ngơ luôn chú trọng chọn cách tuyên truyền phù hợp với người dân như tranh thủ thời gian buổi tối, ngày nghỉ để phân tích cho bà con hiểu được lợi ích việc xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Bên cạnh đó, anh còn vận động bà con tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, tập huấn về khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Anh Y Ngơ (bìa trái) vận động bà con trong buôn xây dựng đời sống văn hóa.
Anh Y Ngơ (bìa trái) vận động bà con trong buôn xây dựng đời sống văn hóa.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, anh  Y Ngơ đã tranh thủ vai trò của người có uy tín, già làng để vận động, tuyên truyền từng bước làm thay đổi suy nghĩ của người dân, cùng chung tay hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.

Với sự nỗ lực góp sức của Trưởng Ban công tác Mặt trận Y Ngơ, hiện nay buôn Pheo chỉ còn 14 hộ nghèo, giảm 30% so với năm 2018, có trên 50% gia đình có nhà xây kiên cố và hầu hết các hộ có nhà ở ổn định, 100% gia đình có điện thắp sáng, 100% trẻ em trong độ tuổi đều đến trường, có 7 em đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; trong thôn không có trường hợp vượt biên trái phép.

Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.