Chuyện những chú voi hạnh phúc
Một ngày cuối tháng 10-2017, Trung tâm Bảo tồn voi (gọi tắt là Trung tâm) đã hoàn thành thủ tục để tiếp nhận voi cái H’Blú do Công ty Du lịch sinh thái Phương Nam (phường 4, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) trao tặng. Chia tay chủ cũ, voi cái H’Blú (55 tuổi) ngập ngừng bước lên thùng xe tải với ánh mắt đầy lo lắng. Cả ngày lắc lư trên thùng xe, H’Blú được đưa đến cánh rừng khộp ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) thuộc khu nuôi nhốt, chăm sóc voi của Trung tâm. Ở đây, nó không khỏi ngỡ ngàng bởi sự chào đón, đối xử của nhân viên Trung tâm.
Dưới tán rừng khộp, nó được cho tự do đi lại kiếm ăn, vui đùa với ba cá thể voi khác mà Trung tâm đang nuôi dưỡng. Hằng ngày, cái ăn, cái uống của voi H’Blú đều được nhân viên Trung tâm cung cấp đầy đủ; bên cạnh đó thường xuyên được thăm khám, điều trị khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe. Không phải làm du lịch, được chăm sóc chu đáo, voi H’Blú đang tận hưởng những ngày tháng hạnh phúc của tuổi già.
Những con voi thuộc sở hữu của Trung tâm Bảo tồn voi tự do đi lại, nô đùa trong khu vực chăm sóc, cứu hộ voi của Trung tâm. |
Trái lại, hai “thành viên” voi trẻ được Trung tâm cứu hộ từ rừng về lại hay nghịch phá. Chúng hết quăng quật những thứ đồ chơi bằng lốp xe, thùng nhựa, lại kéo nhau xuống bể tắm bằng bê tông để nghịch nước. S
au khi lăn lộn thỏa thích, chúng đưa vòi hút nước rồi phun vào nhau một cách vui vẻ, sảng khoái. Nhìn những chú voi đang lớn lên khỏe mạnh, cường tráng, ít ai biết được vào đầu năm 2015, khi được cứu hộ khỏi rừng, voi lớn tên Jun bị dính bẫy khiến một đoạn vòi bị rách gần đứt lìa, một chân bị thương mất cả móng.
Trải qua nhiều cuộc điều trị, phẫu thuật của các chuyên gia trong nước và nước ngoài, cùng sự chăm sóc tận tình của nhân viên Trung tâm, voi Jun mới lành vết thương, khỏe mạnh. Sau đó một năm, voi Gold được tìm thấy trong một giếng cạn của người dân khi mới được hai tháng tuổi. Các nhân viên Trung tâm phải thức trắng đêm đút từng ngụm sữa, vuốt ve trấn an như chăm sóc “con mọn” nó mới lớn, khỏe mạnh như bây giờ.
“Để đảm bảo phúc lợi cho đàn voi nhà trong tỉnh, đơn vị thường xuyên tuyên truyền đến người dân việc chăm sóc, sử dụng voi làm du lịch phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho voi. Cùng với đó, khi voi ốm đau, bệnh tật Trung tâm đều cử cán bộ cùng với chủ voi chăm sóc, điều trị. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường công tác hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo tồn voi từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đàn voi nhà”.
Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi
|
Ở cách đó hơn 10 km đường rừng, sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn 6 cá thể voi nhà khác cũng đang tận hưởng hạnh phúc dưới những tán rừng khộp nhờ sự nỗ lực của Tổ chức động vật Châu Á (AAF) và VQG Yok Đôn.
Trong hơn một năm qua, AAF đã hỗ trợ kinh phí cho VQG Yok Đôn để sử dụng ba con voi thuộc sở hữu của Vườn thực hiện môi hình du lịch thân thiện với voi. Theo đó, voi được thả vào rừng để tự do đi kiếm ăn, không phải chở khách du lịch như trước. Du khách chỉ đứng từ xa “ngắm” voi đi lại, kiếm ăn. Cùng với đó, AAF còn thuê lại ba con voi của một công ty du lịch trên địa bàn huyện Buôn Đôn thả vào VQG Yok Đôn để cho voi nghĩ dưỡng.
Cả ba cá thể voi này trước đó đều trải qua những chuỗi ngày “còng lưng” chở khách du lịch, trong khi đó chế độ ăn uống không đảm bảo khiến chúng gầy gò, ốm yếu. Trong đó, có những con voi đã lớn tuổi đứng trước nguy cơ tử vong nếu không ngưng khai thác du lịch và có chế độ chăm sóc tốt hơn.
Điển hình như voi cái H’Non (62 tuổi) trước khi được “giải cứu” khỏi cảnh xiềng xích và phục vụ khách du lịch là cá thể gầy còm, ốm yếu, một mắt bị hỏng, đi lại khó khăn. Nhìn vào thân hình của H’Non, ai nấy đều ái ngại vì nghĩ nó sẽ không sống được lâu nữa. Thế nhưng, từ ngày vào rừng đến nay, sức khỏe của nó khá lên hẳn, việc ăn uống, vận động đều hoạt bát hơn. Giờ đây, H’Non cùng với những "người bạn" voi nhà may mắn được đưa vào đây ngày ngày tự do lang thang khắp những cánh rừng để khám phá, tìm kiếm thức ăn.
Bảo Ngọc
Ý kiến bạn đọc