Multimedia Đọc Báo in

Giúp người nghèo giảm gánh nặng chi phí chữa bệnh

08:55, 17/12/2019

Thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong việc xác định đối tượng, lập danh sách và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng chính sách nhằm kịp thời giúp họ tăng khả năng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế, giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, hướng tới thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Thực hiện tốt chế độ BHYT cho người nghèo

Hằng năm, công tác cấp thẻ BHYT cho người nghèo luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, hàng nghìn hộ nghèo, hộ đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đã bớt khó khăn về kinh tế mỗi khi ốm đau.

Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Khai thác thu nợ, BHXH tỉnh cho biết: “Chỉ tính riêng năm 2019, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc xác định đối tượng, lập danh sách, cấp và gia hạn 97.911 thẻ BHYT cho người nghèo, đồng thời phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố và UBND cấp xã chuyển thẻ BHYT đến tận tay đối tượng kịp thời”.

Khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT tại Trạm Y tế xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar).
Khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT tại Trạm Y tế xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar).

Cùng với việc cấp phát thẻ BHYT kịp thời, cơ quan BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh còn phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh toán BHYT để bảo đảm người nghèo được hưởng các chế độ theo quy định.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, trong 10 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 234.376 lượt người nghèo được khám chữa bệnh với tổng kinh phí trên 147 tỷ đồng. Trong đó, ngoại trú là 199.422 lượt, chi phí 44,7 tỷ đồng; nội trú là 23.584 lượt, chi phí 68 tỷ đồng; có 11.370 lượt khám và điều trị tại tuyến Trung ương với tổng chi phí là 34,4 tỷ đồng. Qua giám sát của ngành chức năng cho thấy, người nghèo có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh cũng bình đẳng như các đối tượng BHYT bắt buộc khác, được tiếp cận với các dịch vụ y tế, những trường hợp bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo có chi phí lớn đều được các cơ sở y tế chữa trị và được quỹ BHXH chi trả đúng quy định.

Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân Vũ Cao Thế (ở huyện Krông Ana) mắc bệnh hiểm nghèo đã được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh lên đến 1,9 tỷ đồng trong năm 2019.

Theo số liệu của BHXH tỉnh, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đến 31-12-2019 ước đạt 1.631.000 người, đạt bao phủ 87,3% dân số (đạt chỉ tiêu Chính phủ giao).

Theo ông Lê Xuân Khánh, bên cạnh kết quả đạt được, ở một số địa phương vẫn không tránh khỏi sai sót, hạn chế trong quá trình triển khai như: việc điều tra, rà soát, xác nhận và phê duyệt danh sách các đối tượng chính sách BHYT của một số chính quyền cơ sở còn chậm, danh sách lập tại xã, phường còn sai sót nhiều về họ tên, năm sinh, giới tính (nhiều nhất là đồng bào dân tộc thiểu số); một số đơn vị xã, phường, thôn, buôn sau khi nhận thẻ BHYT đã không tổ chức cấp phát cho đối tượng kịp thời...

Để khắc phục những bất cập này, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH huyện và UBND các xã, phường, thị trấn trong việc lập danh sách các đối tượng tham gia BHYT năm 2019, đồng thời quy định cụ thể về thời gian chuyển danh sách, dữ liệu cấp thẻ BHYT năm trước, rà soát hoàn thiện danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho năm sau, thời gian giao nhận thẻ BHYT từ cấp huyện cho đến các xã, phường, đảm bảo việc cấp phát thẻ BHYT được nhanh chóng, kịp thời, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng khi đi khám chữa bệnh.

Tăng tỷ lệ bao phủ BHYT

Xác định việc tiến tới BHYT toàn dân là điều cần thiết, mang ý nghĩa chia sẻ cộng đồng sâu sắc, thời gian qua, BHXH tỉnh đã tích cực nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT thông qua các biện pháp: phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai đại lý thu BHYT tại UBND các xã, phường, thị trấn, điểm bưu điện văn hoá xã và bệnh viện, trạm y tế đảm bảo cho người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tham gia BHYT; xây dựng hướng dẫn liên ngành và quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện và tuyên truyền chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh; thực hiện rà soát, lập danh sách để cấp thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng được ngân sách đóng BHYT kịp thời; tăng cường thanh, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân để hạn chế tình trạng trốn tránh trách nhiệm đóng BHYT cho người lao động.

Đại lý thu BHXH, BHYT của thị xã Buôn Hồ tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về lợi ích của tham gia BHXH, BHYT.
Đại lý thu BHXH, BHYT của thị xã Buôn Hồ tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về lợi ích của tham gia BHXH, BHYT.

Đáng nói, cơ quan BHXH tỉnh còn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách riêng hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế khó khăn. Trong đó với nhóm đối tượng học sinh sinh viên, ngoài 30% hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 5% mức đóng BHYT. Đồng thời, một số đối tượng khác cũng được tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ 30% Nhà nước quy định trước đó. Sự hỗ trợ thêm của tỉnh đã tạo “đòn bẩy” để ngày càng có nhiều người dân tham gia BHYT.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.