Multimedia Đọc Báo in

Những người gieo mầm xanh cho núi đồi

09:54, 26/12/2019

Về M’Đrắk, nhìn đâu cũng thấy một màu xanh của keo lai phủ kín núi đồi. Để có những dải xanh tuyệt đẹp ấy, có những người đã chịu rét mướt, đổ mồ hôi, cõng từng cây giống lên đồi cao để trồng.

Chúng tôi có dịp đi trồng rừng với nhóm đồng bào Hmông ở xã Ea Trang (huyện M’Đrắk) vào một ngày đầu đông se lạnh. Sau hàng tiếng đồng hồ lội bộ trên con đường mòn lầy lội, quanh co, dốc dựng đứng, chúng tôi lại bám đất leo đồi để tiếp cận với “đội quân” đang mải mê cuốc đất trồng cây. Dưới cơn mưa rả rích mang theo từng đợt gió lạnh, những con người mưu sinh bằng nghề trồng cây gây rừng mặt vẫn đầm đìa mồ hôi. Mùa trồng rừng bắt đầu từ tháng 6-11 dương lịch, đúng vào mùa mưa nên công việc khá vất vả.

Những quả đồi trọc đã được phủ xanh.
Những quả đồi trọc đã được phủ xanh.

Phút nghỉ tay bên hố trồng cây, chị Nậm Thị Ninh (37 tuổi, thôn Ea Bra, xã Ea Trang) kể, chị đã theo nghề này được 6 năm. Nhà nghèo, ít đất canh tác, chị thường đi làm thuê đủ nghề vào mùa nắng, mùa mưa đến thì gia nhập “đội quân” trồng cây rừng trong thôn.

Công việc này không làm riêng lẻ mà tập trung theo đội, một đội từ 10-15 người, không phân biệt nam nữ, tuổi tác, mà quan trọng là phải siêng năng chịu khó. Đàn ông thường gánh việc nặng hơn như đào hố, vác giống cây đi bỏ từng hố; phụ nữ đảm nhận việc bỏ phân bón lót và trồng cây.

Dụng cụ trồng rừng khá đơn giản, mỗi người cầm theo chiếc cuốc nhỏ rồi việc ai nấy làm, phối hợp nhịp nhàng, nhìn trước ngó sau để không bị sót cây và giữ được khoảng cách đồng đều giữa các cây với nhau. Những ngày đi trồng rừng, chị Ninh phải dậy sớm từ tinh mơ, gùi cơm đùm nước băng rừng để đến điểm làm đúng 7 giờ sáng. Chưa kể nghề này suốt ngày khom cúi, di chuyển liên tục, lại leo đồi nên phải có sức khỏe và chịu khó mới theo nổi.

Người dân làm đất trồng rừng.
Người dân làm đất trồng rừng.

Công việc mệt nhọc nên ai cũng cặm cụi làm, mãi đến giờ nghỉ trưa mới râm ran gọi nhau. Bữa trưa trên đồi vắng thật đơn giản. Mỗi người mang một nắm cơm với ít thức ăn, mặc nguyên áo mưa ngồi giữa đất ăn ngon lành. Ông Dầu A De (xã Ea Trang) bảo rằng mùa này nắng mưa thất thường nên cứ mặc luôn áo mưa cho đỡ mất công. Ông De là người có thâm niên trồng rừng thuê nhiều nhất với gần 20 năm.

Tuổi ngoài sáu mươi, ông vẫn phăng phăng vác cuốc leo đồi nhanh lẹ như con sóc rừng. Cẩn thận đặt cây giống giữa hố, ông De cho hay, công việc trồng rừng nay đã có máy móc, phương tiện hỗ trợ vận chuyển nên đỡ vất vả hơn xưa rất nhiều. Ngày trước chưa có máy cày, xe máy, ông phải cõng hàng trăm cây con, cuốc bộ cả ngày để đưa cây giống lên đồi trồng. Đường xa cách trở, mỗi đợt trồng phải ở trong rừng nhiều ngày, đối mặt với không ít hiểm nguy. “Hồi năm 2007 mình làm trong rừng cả tuần, còn 2 hôm nữa là xong việc thì bỗng dưng bị sốt rét, toàn thân run bần bật. Anh em thay nhau cõng về, may kịp đi bệnh viện”, ông De nhớ lại.

Một ngày quần quật trên đồi cao, đội trồng rừng 15 người đã trồng xong 2 ha keo lai. Cơ thể thấm mệt, cổ họng khát khô nhưng ai cũng nở nụ cười hài lòng khi kế hoạch công việc của một ngày đã được hoàn thành. M’Đrắk là huyện có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh với 13.864 ha. Để có được những cánh rừng xanh ấy ngoài sự đầu tư của các đơn vị chủ rừng, còn có công sức không nhỏ của những người làm nghề trồng rừng.

 

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.