Multimedia Đọc Báo in

Nối dài những vòng tay yêu thương

10:05, 26/12/2019

Mặc dù bị dị tật tay chân bẩm sinh, nhưng Nguyễn Duy Học (ở thôn 1A, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) đã nỗ lực vượt qua khó khăn để học tập, trở thành cử nhân tin học. Không những thế, anh còn cống hiến hết mình cho hoạt động từ thiện với mong muốn sưởi ấm và nâng đỡ những cảnh đời bất hạnh...

Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em nhưng chỉ Nguyễn Duy Học bị khuyết tật với đôi chân bẻ ngược ra sau, tay co quắp. Tuổi thơ của anh vì vậy mà gắn liền với những cơn đau nhức hành hạ. Sau nhiều năm tháng chịu đựng đau đớn, tập đi bằng đầu gối, đến năm 10 tuổi Học mới tập tễnh đi lại được. Tuy không được lành lặn như các bạn cùng trang lứa, nhưng bằng nghị lực phi thường của mình, Học đã  vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành quá trình học tập ở các cấp học.

Anh Nguyễn Duy Học (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) tại Lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến  về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh huyện Krông Pắc.
Anh Nguyễn Duy Học (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) tại Lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh huyện Krông Pắc.

Vốn đam mê máy vi tính, năm 2007, Học đã đỗ vào Khoa Tin học - Trường Đại học dân lập Duy Tân, TP. Đà Nẵng. Sống xa nhà với muôn vàn khó khăn nhưng với nghị lực của mình đã giúp Học vượt qua tất cả. Không những thế, ngoài giờ học, anh còn tham gia dạy văn hóa cho các em nhỏ khuyết tật. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã trở về Đắk Lắk và được nhận vào làm kỹ thuật viên tin học tại Công ty Cổ phần Nha khoa Xuân Hương.

 

“Hạnh phúc đơn giản chỉ là nhìn thấy ai đó cười thật tươi sau mỗi chương trình thiện nguyện”.

 

 
Nguyễn Duy Học, Trưởng nhóm Vòng tay yêu thương

Nhận thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn đang rất cần sự giúp đỡ, Học kêu gọi một số bạn bè thành lập nhóm “Vòng tay yêu thương”. Ngày 16-10-2012, nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” đi vào hoạt động với chương trình “Chén cơm yêu thương” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk và Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc.

Ngoài ra, nhóm còn tổ chức nhiều chương trình lớn như: Tết yêu thương, Xoa dịu nỗi đau, Cùng em đến trường, Vui Tết Trung thu, Áo ấm yêu thương, Vì học sinh nghèo, Vui Tết thiếu nhi, Chung tay vì người nghèo... và nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng khác.

Tháng 10-2014 nhóm "Vòng tay yêu thương" được đổi tên thành Đội Thanh niên tình nguyện Vòng tay yêu thương trực thuộc Hội LHTN Việt Nam huyện Krông Pắc. Từ 6 thành viên ban đầu, nhóm Vòng tay yêu thương của Nguyễn Duy Học đến nay đã quy tụ 40 bạn trẻ với nhiều ngành nghề, độ tuổi khác nhau với tâm niệm cùng lan tỏa yêu thương đến cộng đồng.

Anh Học chia sẻ: “Sau mỗi chuyến đi thiện nguyện, bản thân lại thấy nhiều vùng, nhiều hoàn cảnh còn khó khăn nên càng muốn giúp đỡ nhiều hơn nữa, nhất là đối với các học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa ít có cơ hội đến trường. Sự quan tâm, sẻ chia của các nhà hảo tâm và nhiều em học sinh ở vùng khó khăn đang rất cần sự giúp đỡ chính là động lực giúp mình vượt qua mọi vất vả, trở ngại để tiếp tục cho những hành trình thiện nguyện của nhóm”.

Anh Nguyễn Duy Học (thứ 2 từ phải sang) đại diện cho tập thể nhóm Vòng tay yêu thương tham gia giao lưu tại Lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh huyện Krông Pắc.
Anh Nguyễn Duy Học (thứ 2 từ phải sang) đại diện cho tập thể nhóm Vòng tay yêu thương tham gia giao lưu tại Lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh huyện Krông Pắc.

Từ năm 2012 - 2019, nhóm Vòng tay yêu thương của Nguyễn Duy Học đã vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ hàng trăm suất quà, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng các công trình thanh niên hỗ trợ địa phương còn nhiều khó khăn... với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Từ những hoạt động tích cực, đóng góp cho cộng đồng, nhóm nhận được nhiều Giấy khen của Hội LHTN Việt Nam tỉnh, huyện Krông Pắc trao tặng. Và mới đây, vào tháng 8-2019, Vòng tay yêu thương cũng là một tập thể điển hình được Huyện ủy Krông Pắc tuyên dương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.