Multimedia Đọc Báo in

Người Mường trên đất Tây Nguyên

07:25, 27/01/2020

Mỗi mùa Xuân mới về, niềm vui của cộng đồng người Mường trên quê hương Đắk Lắk như càng được nhân lên trước những đổi thay của mỗi gia đình, thôn xóm. Cuộc sống ngày càng sung túc, người Mường càng không quên giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình...

Làm giàu trên quê hương mới

Cách đây tròn 30 năm, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Hóa đã di cư vào mở đất, lập làng ở các xã thuộc huyện Ea Kar: Ea Păl, Ea Ô, Ea Sar, Cư Elang, Ea Đar, Cư Ni, thị trấn Ea Kar… Với bản tính cần cù, chịu khó, họ đã tạo dựng được cuộc sống mới ấm no, trù phú trên quê hương mới.

Điệu múa sạp truyền thống của người Mường.
Điệu múa sạp truyền thống của người Mường.

Dẫu đã gần 30 năm trôi qua, ông Phạm Văn Giá ở thôn 9 (xã Ea Păl) vẫn không thể nào quên những ngày đầu đi khai phá đất đai, trồng tỉa hoa màu, tối đến cả gia đình chia nhau củ khoai, củ sắn bên bếp lửa hồng trên mảnh đất Tây Nguyên này. Đất không phụ công người, dần dần gia đình ông không còn lo thiếu lương thực mà còn tích cóp mua được 5 ha đất. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông đào 2 ao nuôi cá, cấy 4 sào ruộng, diện tích còn lại trồng cao su, điều, tiêu. Nhờ cần cù lao động, mỗi năm gia đình ông thu về lợi nhuận trên một trăm triệu đồng. Kinh tế phát triển, gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều thiết bị, phương tiện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Niềm vui và tự hào hơn cả đối với gia đình ông không chỉ là một cuộc sống no ấm mà cả 3 người con đều chăm ngoan, thi đỗ các trường đại học, cao đẳng và tiếp tục góp sức xây dựng quê hương mới.

 
“Cồng chiêng là linh hồn của người Mường. Khi tiếng cồng chiêng vang lên, đó mới thực sự là lễ hội”.
 
Bà Lương Thị Nhã

Tết Canh Tý năm nay là tròn 30 năm ông Bùi Văn Trinh (72 tuổi) đưa gia đình vào lập nghiệp ở thôn 1 (xã Ea Ô). Kể về cuộc sống của gia đình mình, đôi mắt ôngTrinh ánh lên niềm vui: “Có nằm mơ tôi cũng không hình dung được những đổi thay, phát triển trong cuộc sống nơi đây. Từ chỗ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhà cửa lụp xụp, đến nay hầu hết người Mường ở đây đều đã có vườn tiêu, cà phê xanh tốt, nhà cửa tiện nghi, có điều kiện để chăm lo con cái học hành…”.

Trên mảnh đất Ea Kar này, cộng đồng người Mường với hơn 680 hộ, 2.900 khẩu đã và đang góp phần hình thành những khu dân cư nhộn nhịp, trù phú, góp phần tạo nên diện mạo mới cho quê hương thứ hai của họ... 

Nỗ lực giữ gìn văn hóa truyền thống

Với mong muốn có một “mái nhà chung”, nơi hội tụ của những người con xa quê, cùng vun đắp ý thức gìn giữ, lưu truyền nét đẹp văn hóa dân tộc, bà Lương Thị Nhã, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 9 (xã Ea Păl) đã đứng ra vận động thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Mường xã Ea Păl với trên 100 hộ thành viên.

Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, đồng bào Mường đang sinh sống trên địa bàn huyện Ea Kar lại cùng tề tựu về xã Ea Păl để vui hội mừng Xuân. Người người xúng xính trong trang phục truyền thống, hòa mình trong tiếng cồng chiêng, điệu múa pồn pôông, hát xường, hát đang, nhảy sạp và các trò chơi dân gian cổ truyền như ném còn, đấu vật, bắn bia, bắn nỏ, đánh cù, đánh mắng, đi cà kheo… và thi ẩm thực với nhiều món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Mường.

Bà Nhã cho biết, thành viên câu lạc bộ có trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếng nói, bài hát, các trò chơi dân gian của dân tộc Mường. Câu lạc bộ đang mở rộng kết nạp thành viên và rất mong muốn được hỗ trợ một bộ cồng chiêng để tổ chức tập luyện. 

Đánh mắng là trò chơi dân gian được người Mường thể hiện trong các dịp lễ hội.
Đánh mắng là trò chơi dân gian được người Mường thể hiện trong các dịp lễ hội.

Bà Trương Thị Tình, Trưởng thôn 5 (xã Ea Păl), Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Mường chia sẻ thêm: Câu lạc bộ được thành lập dựa trên ý nguyện của cộng đồng người Mường ở các xã trên địa bàn huyện Ea Kar và xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc). Ban chủ nhiệm câu lạc bộ gồm 10 người, là đại diện cho người Mường ở các xã, có trách nhiệm kết nối, tổ chức sinh hoạt, tập luyện để cùng giao lưu trong Ngày hội văn hóa Mường hằng năm. Những tiết mục đặc sắc nhất được chọn tham gia Lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc phía Bắc của huyện Ea Kar. Đó cũng là dịp để giới thiệu tiếng cồng, nhịp chiêng, lời ca, tiếng hát, điệu múa, những trò chơi dân gian, ẩm thực của dân tộc Mường đến với anh em, bạn bè nơi vùng đất Tây Nguyên.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.