Multimedia Đọc Báo in

Sống với … kỷ vật

07:21, 27/01/2020

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kỷ vật của một thời vừa cầm bút vừa cầm súng để xây dựng và phát triển ngành Giáo dục trên quê hương Đắk Lắk vẫn được những người cán bộ, giáo viên thời kháng chiến sưu tầm và lưu giữ cẩn thận.

Nghe kỷ vật “kể chuyện”

Sau nhiều năm dày công sưu tầm, thầy Hà Ngọc Đào, Trưởng Ban liên lạc Giáo viên kháng chiến tỉnh Đắk Lắk đang sở hữu được nhiều kỷ vật của nhiều cán bộ, giáo viên từng được Đảng chi viện cho Đắk Lắk trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với nhiệm vụ phát triển ngành Giáo dục vùng Tây Nguyên. Đó là những tư trang, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí chiến đấu... được thầy Đào nâng niu như những báu vật. Ông tâm sự: “Những kỷ vật này tuy đơn sơ, đời thường, có những kỷ vật không còn nguyên vẹn, nhưng đối với chúng tôi nó rất quý. Giữ gìn kỷ vật giúp tôi luôn nhớ về đồng đội, nhớ về tuổi thanh xuân của mình với những mất mát, hy sinh…”.

Thầy Hà Ngọc Đào cùng bộ sưu tập kỷ vật thời chiến.
Thầy Hà Ngọc Đào cùng bộ sưu tập kỷ vật thời chiến.

Với thầy Đào, mỗi kỷ vật, dù bé nhỏ, đều gắn với một câu chuyện cảm động. Đó là câu chuyện chiếc Guy gô (dụng cụ đựng thức ăn khô) có khắc ký hiệu “T.C 66” -  kỷ vật của liệt sĩ Trần Văn Chắc, nguyên là quản lý Trường Bổ túc Văn hóa tỉnh. Giáp Tết năm 1972, trong đợt đi công tác ở Phú Yên để chuẩn bị nhu yếu phẩm phục vụ cho trường đón Tết, đoàn của thầy Chắc bị trúng pháo kích hy sinh. Kỷ vật để lại chỉ còn chiếc Guy gô đã bị móp méo. Hay như bộ xi-lanh được thầy Đào cất giữ như báu vật suốt bao năm qua… “Năm đó, ở trường có cô học trò Nguyễn Thị Lý (nguyên là Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar) bị sốt rét rừng phải đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên do trường học cách trạm xá 6 quả đồi, nhờ có bộ xi-lanh này, trong quá trình đưa Lý đến trạm xá, chúng tôi đã cứu sống được em”, thầy Đào hồi tưởng lại.

Đó là chiếc đồng hồ của thầy giáo Trần Văn Ba (huyện Krông Bông); bi đông đựng nước, cối giã gạo, võng dù, đèn tự chế, bút bi Pi-lốt... Tất cả đều vô cùng quý giá, được thầy Đào cất công tìm kiếm, lưu giữ cẩn thận. 

Giữ gìn kỷ vật cho mai sau…

Với mong muốn có được Phòng truyền thống của ngành Giáo dục Đắk Lắk để lưu giữ, giới thiệu kỷ vật nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tưởng nhớ đến những người có công, trong đợt kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột (năm 2015), thầy Hà Ngọc Đào đã phát động phong trào đi tìm kỷ vật thời kháng chiến chống Mỹ của những người từng tham gia đấu tranh và gây dựng sự nghiệp Giáo dục tại tỉnh Đắk Lắk.

Thầy Nguyễn Cảnh Khoát giở lại cuốn nhật ký đã bạc màu.
Thầy Nguyễn Cảnh Khoát giở lại cuốn nhật ký đã bạc màu.

Hưởng ứng phong trào đó, những thầy giáo trong Ban liên lạc cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Đắk Lắk thời kháng chiến chống Mỹ đã hiến tặng nhiều kỷ vật có ý nghĩa cho thầy Hà Ngọc Đào. Trong đó phải kể đến bộ kỷ vật của thầy Nguyễn Cảnh Khoát, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Đắk Lắk (nguyên là Trưởng đoàn dẫn 176 cán bộ, giáo viên đi B lên Đắk Lắk làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo dục cho cán bộ, giáo viên). Từ những bức thư ông gửi cho người vợ trẻ, sổ nhật ký, tờ quyết định điều động đi B, bài phát biểu đám cưới sau giải phóng, khẩu súng côn và 6 viên đạn, cùng các Huân, Huy chương... Tất cả đều được giữ gìn cẩn thận.

Thầy Khoát kể: “Trước ngày lên đường đi Đắk Lắk, tôi được đồng chí Ái lúc đó là Phó Ban Giáo dục khu Trung Trung bộ gọi lên, nhấn vào tay tôi khẩu súng côn rồi căn dặn: “Tôi nghe nói trên đó tình hình Fulro hoạt động rất căng và nguy hiểm, cậu mang theo khẩu súng này mà phòng thân”. Đó là món quà quý giá nhất trong cuộc đời tôi có được”. 

Thầy Hà Ngọc Đào cho biết, đến nay trong tay ông đang có khoảng gần 100 kỷ vật của đồng đội, đồng chí trao tặng. Hiện ông cùng với các đồng đội cũ đang tiếp tục kêu gọi, vận động và sưu tầm những kỷ vật xưa để kịp trưng bày Phòng truyền thống ngành Giáo dục Đắk Lắk dự kiến sẽ ra mắt vào dịp kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-2020) sắp tới. “Tất cả những kỷ vật mà chúng tôi sưu tầm được tuy không đồ sộ, nhưng sẽ là linh hồn của Phòng truyền thống. Nơi đây sẽ là địa chỉ có giá trị lịch sử để các thế hệ giáo viên, học sinh đến tham quan, học tập để hiểu hơn về quá khứ” - thầy Hà Ngọc Đào chia sẻ.

Thúy An

 


Ý kiến bạn đọc