Multimedia Đọc Báo in

Vợ chồng họa sĩ trẻ và chuyến đạp xe xuyên Việt

07:25, 27/01/2020

Cưới nhau được 2 năm, cặp vợ chồng Trần Thanh Thiệt (sinh năm 1990) và Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1991, ở xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) đã dành gần 1 năm cùng nhau đạp xe xuyên Việt để khám phá vẻ đẹp đất nước và vẽ tranh.

Chuyến hành trình không chỉ để lại những ấn tượng đáng nhớ  mà còn tạo nên những bước ngoặt trong quan niệm sống của họ.

Vốn là người đam mê du lịch khám phá, Thiệt từng thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy một mình trước khi cưới vợ. Cảm xúc tuyệt vời đọng lại trong chuyến đi ấy khiến anh ra sức thuyết phục cô vợ họa sĩ của mình cùng đi “phượt” khám phá và vẽ tranh về những cảnh đẹp của đất nước. Lúc ấy, Dung đang sở hữu một phòng tranh ở thị xã Buôn Hồ, cuộc sống bận rộn với những đơn đặt hàng vẽ tranh phong thủy, chép tranh, trang trí tranh tường…

“Lúc ấy, thu nhập cũng được song công việc vô cùng áp lực, mệt mỏi. Tranh không phải do mình sáng tác mà toàn làm theo yêu cầu của khách hàng. Nghe anh Thiệt thuyết phục, em đã suy nghĩ và quyết định đóng cửa phòng tranh và đi”, Dung kể: Họ chọn xe đạp làm phương tiện bởi ngoài lý do… rèn luyện sức khỏe thì “đi chậm để nhìn cuộc sống chậm lại, hòa mình với cuộc sống bản địa, khám phá được mọi ngóc ngách những nơi mình đi qua”.

Anh Thiệt và chị Dung tại cột mốc biên giới 456 ở xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Thiệt và chị Dung tại cột mốc biên giới 456 ở xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chất lên xe đạp những vật dụng sinh hoạt thường ngày như lều trại, xoong nồi, bếp, lương thực…, tháng 8-2018 Thiệt và Dung bắt đầu chuyến đi. Chặng ra Bắc, hai bạn đạp xe từ Đắk Lắk xuống Phú Yên, Bình Định, khi thì men theo đường biển lúc lại ngược lên đường Hồ Chí Minh ra đến Hà Nội, đạp từ vùng Đông Bắc sang Tây Bắc. Rong ruổi hết miền Bắc, họ về nhà một thời gian rồi lại bắt đầu hành trình đi các tỉnh phía Nam, từ Bình Định đi dọc biển cho đến mũi Cà Mau. Mỗi ngày họ đạp chừng 100 km, khỏe thì đạp, mệt thì nghỉ, nơi nào thích thì dừng lại, không theo lộ trình cố định bởi hai vợ chồng đi theo cảm hứng, rẽ dọc rẽ ngang, đi sâu vào các thôn buôn, làng bản khám phá và trải nghiệm.

Choáng ngợp, ngỡ ngàng, đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác là cảm xúc của Thiệt và Dung trong suốt cuộc hành trình, bởi “đất nước mình đẹp quá”, “nhiều người tốt quá”. Những ngày ăn Tết Nguyên đán 2019 ở Hà Giang là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với cả hai vợ chồng. Đó là những ngày xuân rạo rực và ấm áp giữa những bản làng hoang sơ của người Hmông ở cao nguyên đá Đồng Văn. Hai bạn trẻ đi từ bản này sang bản khác, ăn Tết trong những ngôi nhà trình tường mà họ mô tả “như trong phim thần thoại” nằm biệt lập giữa thung lũng, xung quanh là bạt ngàn núi đá; hay ngôi nhà với những hàng rào đá nép dưới bóng cây đào cổ thụ nở hoa rợp trời… Đi đến đâu, vợ chồng họ cũng được bà con đón tiếp thân tình như người nhà, mời vào chơi, ở lại ăn cơm và uống rượu, những câu chuyện tràn ngập tiếng cười như giữa người thân ruột thịt, nghe tiếng khèn Hmông trong không gian tĩnh mịch và thiêng liêng của những ngày giao hòa năm cũ và năm mới.

Vợ chồng Trần Thanh Thiệt và Nguyễn Thị Dung tại thác Bản Giốc (Cao Bằng) - (Ảnh nhân vật cung cấp)
Vợ chồng Trần Thanh Thiệt và Nguyễn Thị Dung tại thác Bản Giốc (Cao Bằng) - (Ảnh nhân vật cung cấp)

Còn ngôi làng Aur ở xã A Vương, huyện Tây Giang (Quảng Nam) lại khiến hai bạn trẻ có cảm giác “như lạc vào một thế giới khác”. Ngôi làng của người Cơ Tu nằm lọt thỏm giữa rừng già không điện, không sóng điện thoại, bà con sống kiểu “tự cung, tự cấp” trồng lúa, chăn nuôi, bắt cá suối; con người hồn hậu, mến khách. Thiệt kể: “Không giống những buôn làng khác, người dân làng Aur nuôi gia súc, gia cầm ở cách xa nhà, cả ngôi làng sạch không một cọng rác, họ sống chan hòa với rừng và tôn trọng rừng. Bà con đoàn kết, gắn bó đến mức có cả tục nuôi chung khách, tức là khách nào đến làng họ cùng mời ở nhà gươl, rồi mọi nhà đều góp đồ ăn chung đến đãi khách. Ngôi làng ấy khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng”.

Tình cảm ấm áp mà hai bạn trẻ cảm nhận còn đến từ những người bạn tình cờ gặp trên đường; đó có thể là những người cùng chung niềm đam mê đạp xe, chỉ biết nhau qua mạng xã hội song vẫn nhiệt tình đón hai vợ chồng đưa về nhà mình ở hoặc có thể là những người dân gặp dọc đường đã đón tiếp họ ân cần mỗi khi trời tối chưa tìm được nơi nghỉ. Thiệt chia sẻ: “Lần trên đường đi Cát Bà (Hải Phòng), trời tối rồi mà vợ chồng tôi chưa tìm được chỗ nghỉ, nơi cắm trại. Một ông anh đang trèo cây hái me bên đường hỏi chuyện rồi dẫn hai vợ chồng về nhà mình sắp xếp chỗ nghỉ, tự tay vào bếp nấu cơm mời chúng tôi ăn. Anh có cách nói chuyện kiểu giang hồ, hỏi ra mới biết anh vừa được ra tù. Đi rồi mới biết rằng cuộc đời này có quá nhiều người tốt, thấy tin yêu con người, cuộc sống này hơn!”.

Tháng 8-2019, Thiệt và Dung kết thúc chuyến đi, hành trang mang về là những trải nghiệm, kỷ niệm vô giá. Cảnh đẹp, con người trong những chuyến đi được nữ họa sĩ tái hiện trong những bức tranh sơn dầu, acrylic sống động. Quyết định từ bỏ tranh chép, tranh vẽ theo yêu cầu của khách hàng, Dung đặt ra mục tiêu mới cho mình là sẽ tập trung vào sáng tác, vẽ theo cảm xúc của mình, hết mình cho đam mê hội họa và những chuyến đi. Dự định sắp tới của hai bạn trẻ này sẽ là một chuyến đạp xe dài hơi hơn, vươn ra thế giới…

Anh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.