Góp sức xoa dịu nỗi đau da cam
Năm 1966, khi mới 17 tuổi, ông Nguyễn Hùng Tương từ quê hương Điện Bàn (Quảng Nam) tình nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, sau đó tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia.
Trở về từ chiến trường, ông Tương bị phơi nhiễm chất độc da cam. Vượt qua nỗi đau của bản thân, năm 1982 ông nhận nhiệm vụ làm Trưởng đoàn đưa 47 hộ dân của huyện Điện Bàn đi xây dựng kinh tế mới tại thôn Điện Tân, xã Krông Bông (nay là xã Cư Pui, huyện Krông Bông).
Năm 1990, hai người con của ông Tương cũng bị phát hiện nhiễm chất độc da cam. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi ông phải dành hết thời gian, công sức, tiền của để lo chữa trị cho con, may mắn là sau đó một người con của ông đã được chữa khỏi, là niềm an ủi lớn lao và hạnh phúc đối với gia đình ông. Thấu hiểu được nỗi đau do chất độc da cam gây ra, ông đã dành nhiều thời gian và công sức để chia sẻ nỗi niềm với những người cùng chung số phận, với mong muốn xoa dịu nỗi đau cho những nạn nhân chất độc da cam.
Ông Nguyễn Hùng Tương kiểm tra quỹ nạn nhân chất độc da cam quyên góp tại địa phương. |
Từng trải qua nhiều chức vụ quan trọng tại địa phương như: Bí thư Chi bộ thôn Điện Tân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cư Pui, từ năm 2012 đến nay ông Tương đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin xã Cư Pui.
Ông chịu khó nghiên cứu văn bản, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương bạn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hội. Xã Cư Pui hiện có 6 nạn nhân chất độc da cam. Ông chú trọng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế như: kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ; thường xuyên đến thăm hỏi, động viên họ vượt qua nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần.
Hằng năm ông đều tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quyên góp để gây quỹ hoạt động, trung bình mỗi năm được khoảng 10 - 20 triệu đồng để chi cho việc thăm hỏi ốm đau, tặng quà ngày lễ, tết, hiếu hỉ... cho các hội viên. Ông còn sử dụng nguồn quyên góp hỗ trợ 6 triệu đồng cho hội viên Hà Văn Hiếm (thôn Knung) mua 100 cây dừa để phát triển kinh tế; một số hội viên khác cũng được hỗ trợ từ 3 - 4 triệu đồng để nuôi gà hoặc trồng cây ăn quả nhằm cải thiện đời sống.
Không chỉ tích cực trong công tác Hội, ông Tương còn là điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi của gia đình ông mang lại thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.
Với những đóng góp trong công tác, ông Tương đã được các cấp, các ngành tặng nhiều Giấy khen; đầu năm 2020 ông vinh dự được tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.
Vàng A Hiệp
Ý kiến bạn đọc