Multimedia Đọc Báo in

Mùa hái đót...

09:05, 23/02/2020

Những ngày này, nhiều người dân huyện M’Đrắk đang tất bật vào mùa hái đót. Dù công việc này khá vất vả và nguy hiểm nhưng đây vẫn là một trong những nghề được nhiều người chọn lựa để mưu sinh.

Theo kinh nghiệm của những người đi hái đót, thời gian từ khoảng tháng 12 đến tháng 2 (âm lịch) là mùa cây đót nở rộ, đót trổ bông kéo dài khoảng 30 - 45 ngày, nên muốn hái được nhiều đót cũng phải chạy đua với thời gian.

Vào mùa đót nở, em H’Tuế Ksơr (13 tuổi, ở buôn M’Guê, xã Ea Trang) cùng các chị em trong buôn phải dậy từ lúc sáng sớm, chuẩn bị gùi và nước uống để bắt đầu hành trình đi hái đót. Vì còn nhỏ, không thể đi xe máy nên chị em H’Tuế phải đi bộ băng rừng gần 20 km từ 6 giờ sáng đến tận 10 giờ trưa mới đến được những triền đồi nhiều đót.

Dù phải đi bộ quãng đường khá dài trong nắng nóng như thiêu đốt nhưng chị em H’Tuế không kịp ăn cơm trưa, chỉ uống vội ngụm nước rồi bắt tay ngay vào công việc. Công việc hái đót khá vất vả với những đứa trẻ mới chỉ từ 13 - 14 tuổi khi phải cõng trên lưng 25 – 30 kg đót từ rừng về nhà, thế nhưng vì nhà nghèo, lại đông anh em nên chị em H’Tuế và nhiều em nhỏ khác trong buôn phải lao động kiếm mỗi ngày từ 160.000 – 170.000 đồng để giúp bố mẹ trang trải phần nào chi phí sinh hoạt.

Ông Nguyễn Thanh Vân, buôn M’Hạp, xã Ea Trang đang phơi đót.
Ông Nguyễn Thanh Vân, buôn M’Hạp, xã Ea Trang đang phơi đót.

Gia đình ông Hây Su Niê (67 tuổi) và bà H’Ten Byă (64 tuổi), ở buôn M’Yui, xã Ea Trang chỉ có hơn một sào lúa nước song năm nay không thể gieo sạ được do hạn hán, cuộc sống vì thế cũng khó khăn hơn. Dù tuổi đã cao nhưng ông bà vẫn phải đi hái đót để kiếm thêm thu nhập. Từ 7 giờ sáng, ông bà đã gói ghém cơm nước vượt quãng đường gần 10 km để tìm đót.

Ông Hây Su Niê chia sẻ, những ngày trời nắng thì việc hái đót cũng đỡ vất vả, còn vào những ngày mưa, đường rừng trơn trượt, hai ông bà ngã lên ngã xuống mới mang được đót xuống chân đồi. Thường vào thời gian cao điểm, thương lái thu mua từ 6.000 - 6.500 đồng/kg đót, mỗi ngày ông bà hái được từ 30 - 35 kg tính ra cũng được từ 180.000 – 220.000 đồng, có thêm đồng ra đồng vào để mua gạo.

Với vợ chồng anh Ma Văn Páo và chị Sùng Thị Nga (ở thôn 7, xã Cư Króa) sau khi ăn Tết Nguyên đán xong, tranh thủ những ngày nông nhàn, anh chị vượt quãng đường gần 40 km từ Cư Króa đến xã Ea Trang để hái đót kiếm thêm thu nhập. Trung bình một ngày anh chị hái được từ 50 – 55 kg đót, anh Páo nhẩm tính sau khi trừ chi phí xăng xe, ăn uống cũng thu được từ 250.000 – 280.000 đồng. Nhưng kiếm được đồng tiền từ “lộc rừng” cũng vất vả lắm vì đường rừng đi lại khó khăn, rắn, rết lại nhiều, không cẩn thận là bị thương ngay.

Thành quả sau một ngày hái đót của ông Hây Su Niê, buôn M'Yui, xã Ea Trang.
Thành quả sau một ngày hái đót của ông Hây Su Niê, buôn M'Yui, xã Ea Trang.

Không chỉ nông dân vào mùa hái đót, những người mua đót cũng tấp nập vào mùa. Ông Nguyễn Thanh Vân (ở buôn M’Hạp, xã Ea Trang) đã có 4 năm làm nghề mua đót cho biết: “Hiện nay, đót có giá khoảng 6.000 -7.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với năm ngoái. Trung bình cứ 3 kg đót tươi, sau khi phơi còn khoảng 1 kg đót khô. Đót khô sẽ có giá khoảng 20.000 - 21.000 đồng/kg”. Tuy nhiên, đa số thương lái từ Khánh Hòa, Phú Yên, TP. Buôn Ma Thuột chủ yếu thu mua đót tươi trong ngày.

Mặc dù mưu sinh từ nghề hái đót lắm gian truân, nhọc nhằn nhưng cứ đến mùa đót nhiều người dân vẫn miệt mài, cần mẫn leo núi hái “lộc rừng”. Với họ, nhờ có mùa đót mà cuộc sống bớt đi một phần khó khăn…

Mỹ Sự - Thúy Diệp
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.