Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện cuộc sống nhờ xuất khẩu lao động

17:28, 14/03/2020

Đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hiện nay đang được nhiều lao động nông thôn huyện Cư M'gar quan tâm lựa chọn. Hoạt động này đã góp phần quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao tay nghề và xây dựng tác phong làm việc cho lao động trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar cho biết, hiện nay huyện đang liên kết với trên 30 công ty, doanh nghiệp có uy tín hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu, tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc ở trong nước và nước ngoài. Vài năm gần đây, công tác xuất khẩu lao động ở huyện Cư M'gar có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng lao động đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đều tăng qua các năm. Riêng năm 2019 huyện Cư M'gar có 102 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 11 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Thị trường được người lao động lựa chọn chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ảrập Xêút và một số nước châu Âu với các ngành nghề cơ khí, hàn xì, quản lý khách sạn, điều dưỡng, giúp việc gia đình, trồng trọt…

Tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động xuất khẩu tại xã Ea M'droh.
Tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động xuất khẩu tại xã Ea M'droh.

Thực tế cho thấy đa số người lao động đi xuất khẩu lao động đều có thu nhập cao, lại có cơ hội được học ngoại ngữ, đào tạo nghề, nắm bắt tiến bộ khoa học công nghệ.

Gia đình Amí H'Bluen (ở buôn Yông B, xã Ea Drơng) có 6 người con thì đã có 3 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Amí H'Bluen cho biết, gia đình đông con, thu nhập từ việc làm rẫy trước đây không đủ trang trải cuộc sống, phải vay mượn với số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Tháng 4-2018, người con gái của Amí H'Bluen đăng ký đi xuất khẩu lao động với công việc giúp việc gia đình tại Ảrập Xêút. Công việc này ở Ảrập Xêút khan hiếm, tiêu chuẩn và yêu cầu lại đơn giản, dễ dàng, thủ tục đưa và tiếp nhận lao động đi làm việc cũng tương đối đơn giản, đặc biệt là người lao động hầu như không mất chi phí xuất khẩu.

Thấy công việc nhẹ nhàng, ổn định với thu nhập hằng tháng khoảng 9 triệu đồng, nên 3 tháng sau người con thứ hai của Amí H'Bluen cũng đăng ký sang Ảrập Xêút để giúp việc gia đình. Tiếp theo đó, người con gái út của Amí H'Bluen sau khi tốt nghiệp THPT cũng quyết định xin gia đình cho đi xuất khẩu lao động làm việc tại thị trường Nhật Bản. Thấy được hiệu quả từ xuất khẩu lao động, vợ chồng Amí H'Bluen rất ủng hộ quyết định của cô con út, vay mượn gần 200 triệu đồng để lo chi phí, thủ tục cho con đi làm việc tại Nhật Bản với ngành nghề quản lý khách sạn. Đến nay trung bình mỗi tháng 3 người con gái của Amí H'Bluen tiết kiệm chi tiêu gửi về cho gia đình hơn 35 triệu đồng. Nhờ số tiền này mà gia đình Amí H'Bluen có thêm điều kiện để trang trải cuộc sống gia đình, trả gần hết số nợ vay mượn trước đó.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thoại (ở thôn Thạch Sơn, xã Ea M'droh) hiện nay có một người con gái đang làm việc tại Nhật Bản với ngành nghề trồng trọt. Trước đây, cuộc sống của gia đình cô con gái và bà Thoại phụ thuộc chính vào việc làm rẫy cà phê và hồ tiêu. Thời gian gần đây, giá cà phê, hồ tiêu bấp bênh khiến thu nhập gia đình không bảo đảm. Qua các kênh thông tin tuyên truyền, tư vấn giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhận thấy đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập khá nên con gái bà Thoại bàn bạc với gia đình xin sang Nhật Bản làm việc. Để lo các chi phí xuất khẩu lao động cho con, gia đình bà đã vay mượn 170 triệu đồng và đến giữa tháng 5-2019, con gái bà đã hoàn thành việc đào tạo và các thủ tục liên quan, chính thức sang Nhật Bản làm việc. Đến nay sau 9 tháng làm việc tại nước ngoài, bình quân mỗi tháng con gái bà Thoại gửi về cho gia đình 23 triệu đồng. Số tiền này đã giúp gia đình bà trả dần số nợ vay mượn trước đó cũng như có thêm điều kiện trang trải cuộc sống gia đình.

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.